Hiện tại, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 2,8 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm, chiếm tới 88% tổng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, xuất khẩu sang thị trường này có xu hướng giảm so với năm 2017, với mức giảm 10,9% về khối lượng và 12,3% về giá trị. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu sắn trung bình năm 2018 của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng giảm nhẹ, ở mức 1,69%.
Sắn là một trong những mặt hàng nông sản XK đạt kim ngạch tỷ USD mỗi năm
Một số chuyên gia đánh giá: Trên thực tế, sắn là một trong những mặt hàng nông sản XK đạt kim ngạch tỷ USD mỗi năm, song từ trước tới nay gần như chưa có bất kỳ một chính sách nào tập trung phát triển.
Để có thể phát triển bền vững ngành sản xuất, xuất khẩu sắn, giảm lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu nhất định, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sắn kiến nghị cần xây dựng chính sách mang tầm quốc gia phát triển với cây sắn, hỗ trợ phát triển cây sắn một cách bài bản…
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích: Sự sụt giảm này bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, Trung Quốc xả kho dự trữ ngô sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và ngành công nghiệp, đồng thời, loại bỏ các hỗ trợ giá đối với ngô, khiến giá ngô trong nước trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế sắn lát nhập khẩu.
Thứ hai, nhu cầu tại thị trường Trung Quốc giảm do nhiều nhà máy Trung Quốc đã mua đủ lượng hàng cho các tháng kế tiếp và lượng hàng mua chính ngạch từ Thái Lan trước đó dồn về.
Thứ ba, tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ/Việt Nam đồng (CNY/VND) giảm xuống, dao động khoảng 3.360 đồng/CNY do đồng CNY tiếp tục mất giá so với đồng Đô la Mỹ. Điều này gây bất lợi cho các giao dịch xuất khẩu qua kênh biên mậu.
Ngọc Linh