Cụ thể, trong tháng 9/2018, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ đạt gần 332 triệu USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến giá trị xuất khẩu của mặt hàng này trong 9 tháng năm 2018 đạt 2,6 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nguồn cung tôm nuôi từ các nước sản xuất chính trên thế giới vẫn lớn nên giá tôm thế giới gần như không tăng, thậm chí ở một số nước đang bán cạnh tranh giá thấp đã tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu.
(Ảnh minh họa)
Vì vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam tới các thị trường có sức tiêu thụ chi phối lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các rào cản thương mại và biện pháp bảo hộ thị trường trong nước từ các thị trường nhập khẩu chính ngày càng tăng cũng tác động đến tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong thời gian qua. Việc đồng USD tăng mạnh so với một số đồng tiền khác cũng khiến các nhà nhập khẩu buộc phải giảm giá mua tôm.
Hiện tại, EU đang là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong 2 quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sụt giảm.
Bước sang quý III năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này cũng bắt đầu sụt giảm, song nhờ tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm nên xuất khẩu tôm sang EU trong 9 tháng năm nay vẫn đạt 648,4 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện tại, tôm Việt Nam vẫn duy trì được những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ lớn khác trên thị trường EU như Ấn Độ và Thái Lan. Hai đối thủ này của Việt Nam đang ngày càng giảm xuất khẩu sang EU do vướng phải những vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Sau khi giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, mặt hàng này đã phục hồi tăng trưởng dương trong 2 tháng 8 và 9. Do đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt 472,4 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, việc kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017) giảm xuống mức 4,58% giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, nhất là giai đoạn chuẩn bị hàng hoá phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này do Mỹ áp thuế cao với các mặt hàng của Trung Quốc.
Hằng Vương (t/h)