So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD), thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, xuất khẩu sau 7 năm đã bằng 2,21 lần. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2017 chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011; tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% (năm 2011 là 20,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2% (năm 2011 chiếm 11,6%).

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD, tăng 31,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỷ USD, tăng 36,8%). Tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Nếu như năm 2000 tỷ lệ nội địa hoá trong ngành dệt may mới khoảng 15-17% thì đến năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt trên 50%.

Xuất khẩu: Vẫn dựa vào nhóm hàng điện tử, doanh nghiệp FDI - Hình 1

Ảnh minh họa

Không những phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, ngành dệt may còn xuất khẩu được nguyên phụ liệu (xơ, sợi dệt các loại có kim ngạch xuất khẩu tăng 22,7%).

Nhóm hàng nông sản, thủy sản có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5%, hạt điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23,8%,...

Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD.

Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập được thực hiện có hiệu quả. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội như: xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 31,1%, sang thị trường ASEAN tăng 24,3%, sang thị trường Nhật Bản tăng 14,2%... Ngoài ra, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… đều được giữ vững, hoặc thậm chí có mức tăng ấn tượng như xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%.

Năm 2018, xuất khẩu tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng. Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan. Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng tiếp tục có thuận lợi từ những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh trong nước.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Các nước nhập khẩu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của xuất khẩu hiện nay là sự dịch chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%. Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể là khối FDI vẫn chiếm trên 70% xuất khẩu. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, cụ thể là còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Đặc biệt, một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất (sắn, cao su, thanh long,…). Sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu...

Minh Châu