Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Dự thảo kinh doanh vận tải ô tô: Lúng túng, xa rời thực tế?

Nhiều ý kiến của chuyên gia kinh tế, luật sư và đơn vị kinh doanh cho rằng, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô chưa có tính đột phá, đổi mới, tạo ra gánh nặng và chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức hội thảo để thảo luận về kinh doanh vận tải bằng ô tô và nhận diện những bất cập của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP; đề xuất các kiến nghị sửa đổi văn bản hoặc tổ chức thực thi, qua đó giúp Chính phủ có quyết định phù hợp về việc ban hành Dự thảo này.

Tăng điều kiện kinh doanh

So với Nghị định 86, dự thảo Nghị định sửa đổi lần này đã đưa điều kiện kinh doanh vào định nghĩa. Theo đó, “đơn vị kinh doanh vận tải” phải “được Sở GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”. Hay như trong định nghĩa về “vận tải trung chuyển hành khách” có thêm điều kiện “phải được cấp phù hiệu”.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định lần này cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Nghị định 86, trong đó có sự điều chỉnh về việc cấp, thu hồi phù hiệu, biển hiệu, quy định về công bố bến xe ô tô. Dự thảo có thêm định nghĩa “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Dự thảo Nghị định mới đã cắt bỏ 12 điều kiện kinh doanh, tuy nhiên bổ sung thêm 85 điều kiện kinh doanh, trong đó có 21 điều kiện kinh doanh “theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT” . Rà soát theo chương, chương I bổ sung thêm 2 ĐKKD, chương II thêm 42 ĐKKD và chương III bổ sung 33 ĐKKD.

Trong 37 điều khoản mà Dự thảo Nghị định mới đưa ra, theo thống kê của CIEM, có đến 34 điều khoản được kiến nghị sửa đổi. Điều này cho thấy dự thảo đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.

Dự thảo kinh doanh vận tải ô tô: Lúng túng, xa rời thực tế? - Hình 1

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh vận tải ô tô đang còn nhiều bất cập

Được biết, việc khởi động sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đã được chính thức triển khai theo Quyết định số 680/QĐ-BGTVT ngày 09/3/2016 của Bộ GTVT. Và nếu dự thảo lần này được ban hành, đây sẽ là Nghị định được thay đổi đến lần thứ 4 trong vòng 10 năm. Trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vẫn giữ nguyên.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC nhận xét, việc thay đổi các Nghị định liên tục chứng tỏ quy định bất cập, vô lý, vướng mắc. Đặc biệt Nghị định 86 đã tạo ra quá nhiều quy định bất hợp lý, gây rất nhiều khó khăn, tiêu cực, đội chi phí, tăng giá thành vận chuyển, như cấp phép vận tải nội bộ (tức không kinh doanh vận tải), quy mô kinh doanh (số lượng xe),…

Ông Trương Thanh Đức cho rằng, những nội dung thay đổi trong Dự thảo không phải đổi mới, càng không phải là đột phá, mà mới chỉ là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, vô lý, cản trở phát triển. Vì vậy, Dự thảo này đã trình Chính phủ tới 4 lần và chuẩn bị là lần thứ 5, tức là đã được soạn đi soạn lại, trình lên, trình xuống vẫn không đạt yêu cầu.

Theo ông Đức, Dự thảo Nghị định mới đang “cắt 1 thêm 3”, chưa phù hợp với xu thế hội nhập, đi ngược lại với mong muốn của Chính phủ. Qua đó, ông Đức cũng kiến nghị sửa đồi nhiều điều khoản trong dự thảo nhằm tránh xảy ra các bất cập, trái với luật, tạo ra nhiều rào cản vô lý.

Để doanh nghiệp "dễ thở" hơn

Đại diện của Công ty TNHH Thành Bưởi (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Dự thảo mới này còn nhiều nội dung chưa phù hợp, bất cập, cấm đoán hành chính gây khó khăn cho DN, can thiệp sâu vào việc kinh doanh của DN.

Đơn vị này cho rằng, dự thảo mới không đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD mà còn làm tăng thêm nhiều ĐKKD rất vô lý, không giải quyết, đề cập đến những bất cập, khó khăn, trở ngại của DN.

Đơn cử như việc DN phải ký hợp đồng với bến xe và tổ chức vận tải theo đúng phương án đã đăng ký (khoàn 5, điều 4), đại diện DN này cho rằng, đây là thỏa thuận dân sự, cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp vào. Việc phải đăng ký màu sơn đặc trưng cho xe buýt (khoàn 2, điều 5) theo DN là không cần thiết.

Hay như việc quy định DN vận tải không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau (điểm c, khoản 1, điều 7), theo DN đây là điều kiện vô lý, cấm đoán và hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN.

Ngoài ra, đại diện của Công ty Thành Bưởi cũng bức xúc với quy định tại điểm d, khoản 2, điều 8: “Trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau”. Vị này cho rằng, quy định này sẽ làm tăng them chi phí của DN, làm cho DN nhỏ, hộ kinh doanh phá sản. Các DN lớn có nhiều xe, hoạt động rộng rãi thì họ có thể hợp thức hóa điều kiện này bằng cách xoay tua xe từ điểm này qua điểm khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cũng đề xuất bỏ các quy định tại điểm e, khoản 1, điều 7. Đó là quy định, đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng. Theo ông Hà, quy định này là không hợp lý, cản trở DN kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí. Quy định này hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng về số lượng hợp đồng, nội dung hợp đồng khi không được Luật Giao thông đường bộ cho phép mà quy định này chỉ nhằm thỏa mãn ý chí người quản lý để phục vụ công tác quản lý.

“Hơn nữa, việc xác định lỗi vi phạm là rất khó, đây lại là quy định làm khó cho cơ quan cảnh sát và DN vận tải khi phải đối mặt trên đường, rất khó thực hiện” – ông Hà cho hay.

Cần tôn trọng quyền tự quyết của DN

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế độc lập, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong xu thế xây dựng chính phủ kiến tạo, cần phải tôn trọng quyền tự quyết của DN và hạn chế đưa ra các ĐKKD không cần thiết. Khi đưa ra bất kỳ một điều kiện hay yêu cầu nào hạn chế quyền tự chủ của DN, cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý để làm gì, có tác dụng gì, và tác dụng đó có bù đắp được cho chi phí của xã hội hay không.

Vị chuyên gia kiến nghị, cần phải đổi mới quan niệm về mô hình kinh doanh, thừa nhận thế mạnh của các đơn vị công nghệ là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại để xử lý hệ thống dữ liệu lớn (big data). Cần tận dụng thành quả của kinh tế chia sẻ để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Ngoài ra, cấp thiết phải loại bỏ các điều kiện, thủ tục không cần thiết, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho DN.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các DN công nghệ xuất hiện và phát triển, thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống.

Hưng Khánh

Bài liên quan

Tin mới

Quảng Ninh: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 3 trong vụ lật thuyền trên sông Chanh
Quảng Ninh: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 3 trong vụ lật thuyền trên sông Chanh

Vào khoảng 14h50’ ngày 26/4, tại khu vực sông Rừng, cách  Miếu Vua Bà (phường Yên Giang) khoảng 600 m đến 700 m, tổ công tác tìm kiếm của phường Nam Hòa, TX Quảng Yên, đã phát hiện, vớt được một thi thể nữ mặc áo mưa màu xanh, chân đeo ủng. Vị trí tìm thấy cách khoảng 10 km so với vị trí lật thuyền.

Khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2024
Khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2024

Chiều 26/4, tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ khai mạc hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2024.

Quỹ Hy vọng tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ"
Quỹ Hy vọng tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ"

NDO - Tại Văn phòng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ Hy vọng, cùng ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam ký kết thỏa thuận tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ".

Trung tâm Văn hoá TP. Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”
Trung tâm Văn hoá TP. Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”

Ngày 26/4, Trung tâm Văn hóa TP. Hải Phòng tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).

Huế- Thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa
Huế- Thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa

Ngày 26/4, Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024- 2026, với 46 hội viên.

Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.