Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV: Thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Chiều 15/11, với sự thống nhất cao, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với 444/447 đại biểu có mặt tán thành. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm năm Chương và 28 Điều, sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV: Thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước - Hình 1

Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong 15 lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ nhất là thông tin về chính trị, gồm: chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chiến lược, đề án về dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội.

Thứ hai là thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu, gồm: chiến lược, kế hoạch, phương án, hoạt động bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chương trình, dự án, đề án đặc biệt quan trọng; tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng cơ yếu; công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; sản phẩm mật mã của cơ yếu.

Thứ ba là thông tin về lập hiến, lập pháp, tư pháp, gồm: hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; thông tin về khởi tố; công tác điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án hình sự.

Thứ tư là thông tin về đối ngoại, gồm: chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển quan hệ với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế; tình hình, phương án, kế hoạch, hoạt động đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước; thông tin, thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa Việt Nam với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế; thông tin bí mật do nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế chuyển giao theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ năm là thông tin về kinh tế, gồm: chiến lược, kế hoạch đầu tư và dự trữ quốc gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; đấu thầu phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia; thông tin về tài chính, ngân sách, ngân hàng; phương án, kế hoạch thu, đổi tiền, phát hành tiền; thiết kế mẫu tiền, chế tạo bản in, khuôn đúc, công nghệ in, đúc tiền và các giấy tờ có giá; số lượng và nơi lưu giữ kim loại quý hiếm, đá quý và các vật quý hiếm khác của Nhà nước; thông tin về công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và phát triển nông thôn; kế hoạch vận tải có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; thông tin về quá trình xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; thông tin về quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia, quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Thứ sáu gồm các thông tin về tài nguyên và môi trường bao gồm tài nguyên nước, môi trường, địa chất, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đất đai, biển, hải đảo, đo đạc và bản đồ.

Thứ bảy là thông tin về khoa học và công nghệ như: sáng chế, công nghệ mới phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; thông tin về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân liên quan đến quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV: Thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước - Hình 2

Quốc hội Khóa XIV: Thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Một số thông tin về giáo dục và đào tạo (đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia; thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong và ngoài nước); về văn hóa, thể thao (di sản, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; phương pháp, bí quyết tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên các môn thể thao thành tích cao…); về y tế, dân số (thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước…); về tổ chức, cán bộ; lao động, xã hội; kiểm toán nhà nước; thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Luật quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.

Người lập danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định trừ Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng hai Bộ này trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Hồ sơ gửi Bộ Công an thẩm định bao gồm: văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ; dự thảo quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước; báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bản sao ý kiến tham gia. Văn bản thẩm định của Bộ Công an phải gửi đến người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Công an, người lập danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Các quy định của Luật này liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật cũng quy định một số điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, bí mật nhà nước đã được xác định trước ngày 1/1/2019 được xác định thời hạn bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này. Cơ quan, tổ chức đã xác định bí mật nhà nước có trách nhiệm xác định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước đó bảo đảm kết thúc trước ngày 1/7/2021.

Trường hợp thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước kết thúc trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì phải tiến hành gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định tính từ thời điểm gia hạn; nếu không được gia hạn thì phải giải mật theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10.

Trường hợp thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước kết thúc sau thời điểm Luật này có hiệu lực thì bí mật nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước được ban hành theo quy định của Luật này tiếp tục được bảo vệ đến hết thời hạn đã được xác định hoặc gia hạn; nếu không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước thì phải giải mật theo quy định của Luật này.

Lê Đại

Bài liên quan

Tin mới

Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt
Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt

Chiều 26/4, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết
Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết

Quý I/2024, Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2020.

Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên
Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 - 2024), ngày 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến (DCHT) trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024
ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024

Kết thúc quý I/2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK - mã chứng khoán ABB) ghi nhận tăng mạnh số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số, tổng huy động và dư nợ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%

Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2024 (trước soát xét), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 617 tỷ đồng, tăng trưởng 13%; Tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.066 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023.