Đại biểu Ksor Phước Hà (Đoàn Gia Lai) phát biểu thảo luận (Ảnh: quochoi.vn)
Chiều 15/11/2018, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Theo đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) (Đoàn Gia Lai), một nền tài chính quốc gia lành mạnh phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế quốc dân. Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, với sự đi lên của nền kinh tế, thuế luôn giữ vai trò là công cụ rất quan trọng để chính quyền can thiệp vào hoạt động của cả nội thương và ngoại thương.
Chính vì thế, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này phải quy định chi tiết các khoản, điều, mục nhằm thể hiện rõ vai trò quản lý của nhà nước trong hoạt động phòng, chống thất thu thuế. Mặt khác, phải thể hiện được chính sách thuế "đẹp", luật phải có tính dự báo cao để tránh phải sửa sau mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội.
Qua nghiên cứu báo cáo hồ sơ trình Quốc hội và dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Ksor Phước Hà cho rằng, trước tiên, luật phải thể hiện được chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao về giống cây, giống con mới. Các trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ cao, chuyển giao giống cây, con mới vào nông nghiệp, làm lâm nghiệp ở những vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi để những địa phương này có cơ hội thoát nghèo, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Tiếp đến, chính sách thuế phòng vệ phải hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với các cam kết song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết với các nước, nhất là với tình hình hiện nay chúng ta tham gia CPTPP.
Cũng theo đại biểu Ksor Phước Hà, không nên miễn thuế nông nghiệp đánh đồng như nhau đối với nông dân, chỉ miễn thuế cho các hộ nghèo, hộ còn tự sản, tự tiêu.
“Bất kỳ ai đã không còn là hộ nghèo mà sản xuất để thực hiện các hoạt động kinh tế là chính thì phải đóng thuế, tránh việc luật bị lợi dụng cho những người chỉ biết hưởng mà không có ý thức cộng đồng”, đại biểu Ksor Phước Hà nêu quan điểm.
Đặc biệt, cần đánh thuế đất nông nghiệp hợp lý để khuyến khích sử dụng đất vào sản xuất. Vì thực tế hiện nay, đất nông nghiệp bị bỏ không hàng năm rất nhiều, nhất là ở những vùng đồng bằng gây lãng phí về tài nguyên, “người cần thì không có, người có thì tích trữ để chơi”.
Cuối cùng, cơ quan thuế chỉ thu thuế kiểm tra và hậu kiểm những nội dung liên quan đến thuế được lập biên bản và tạm giữ các trường hợp phạm pháp, quả tang chứ không được tiến hành các hoạt động điều tra hình sự với các vi phạm về thuế.
“Thực trạng những năm qua, nước ta bị thất thu thuế rất nhiều mà chủ yếu là từ các doanh nghiệp. Dân quên một hôm thì nhắc nhở liên tục bằng nhiều phương tiện, cách thức khác nhau. Nhưng doanh nghiệp lách luật, trốn thuế thì phải đợi thanh tra, kiểm tra mới được phát hiện. Phát hiện được rồi, đợi đủ các thể loại đợi, sau đó mới đẻ ra được những hình thức thông cáo, chế tài xử lý. Nợ thuế lâu năm chỉ cần một câu lỗ vốn, vô ý quên, vô ý nhầm có thể thoát thân. Đó là biểu hiện lỏng lẻo của pháp luật”, đại biểu Ksor Phước Hà thẳng thắn.
Cho rằng dự thảo luật đang trong quá trình hoàn thiện, đại biểu góp ý, cần đưa ra các quy định nền để luật đúng ra luật. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, tham mưu nghiêm túc cho Chính phủ.
“Đặc biệt, nội dung Chương 9 về không thu thuế, miễn thuế, giảm thuế, khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế cần được thể hiện chi tiết, rõ đối tượng để Luật Quản lý thuế (sửa đổi) không trở thành bức tranh vẽ đường cho hươu chạy. Để các doanh nghiệp không từ râu mực biến thành các xúc tu của bạch tuộc”, đại biểu Ksor Phước Hà nói.
Đoàn Huế