Chuyển giá, trốn thuế: Lắm chiêu trò, quản lý khó? - Hình 1

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế)

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý thuế, bà có thể khái quát về thực trạng vấn đề chuyển giá, trốn thuế ở Việt Nam hiện nay?

Đây là một vấn đề xã hội gây bức xúc cho các DN làm ăn chân chính. Theo thông lệ quốc tế, chuyển giá ở đây có thể hiểu là cách chuyển giao sản phẩm. Ví dụ, tài sản hữu hình (nguyên vật liệu, hàng hóa...), tài sản vô hình hay các dịch vụ vay mượn, đầu tư tiền vốn… giữa các thành viên của các tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia. Họ thực hiện theo giá giao dịch không theo thị trường nhằm mục đích tối ưu hóa nghĩa vụ thuế chung hay nhằm tối đa lợi nhuận của mình vào những chính sách ưu đãi thuế, hoặc những quy định thuế suất ở vùng, miền.

Đây là một vấn đề không chỉ khó ở Việt Nam, mà còn khó với các nước trên thế giới. Qua công tác quản lý thuế đối với DN, chúng tôi thấy rằng, các hình thức chuyển giá phổ biến trên thế giới hiện nay đều được áp dụng ở Việt Nam.

Việc chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình khiến cho cơ quan quản lý thuế thực sự gặp khó, vì tính đặc thù của loại tài sản này. Các tập đoàn đa quốc gia thường sắp đặt chuyển giao các khoản lợi nhuận tài sản vô hình để chuyển giá, tránh thuế. Và tài sản vô hình sẽ được chuyển giao do các thỏa thuận giữa các bên liên kết (dưới nhiều hình thức như quyền tác giả, sáng chế công nghiệp, nhãn hiệu…) và đặc biệt là chuyển giá thông qua cung ứng dịch vụ.

Việc sắp đặt các dịch vụ trong nội bộ các tập đoàn tương đối là dễ dàng và nếu như có sự sắp đặt này rất khó để kiểm soát. Do đó, các công ty đa quốc gia thường thỏa thuận các hợp đồng cung cấp dịch vụ với nhiều loại hình dịch vụ khác nhau như dịch vụ kỹ thuật, pháp lý, hành chính... nhưng trên thực tế, việc cung cấp dịch vụ này có diễn ra hay không, đó là những vấn đề rất khó khăn khi chúng tôi không có chức năng điều tra. Và thông qua đó, các tập đoàn đa quốc gia có thể chuyển lợi nhuận đến nơi mà họ mong muốn.

Bên cạnh đó, việc chuyển giá có thể thực hiện thông qua cung ứng dịch vụ cho các bên liên kết ở nước ngoài. Họ có thể không tính phí hoặc là họ tính phí với mức phí rất thấp, thấp hơn giá thị trường.

Và đặc biệt, thời gian vừa qua, theo đánh giá của cơ quan quản lý thuế, chúng tôi thấy rằng, việc chuyển giá có thể thông qua các khoản vay, các giao dịch tài chính có bản chất tương tự. Chẳng hạn như việc thiết lập các khoản vay vốn từ công ty mẹ, công ty liên kết, thông qua tổ chức trung gian và các bên độc lập, thì các DN FDI Việt Nam có thể chuyển được một khoản…

Bà có thể cho biết những giải pháp quản lý thuế đối với hành vi chuyển giá của các DN FDI, trong thời gian qua?

Suốt 30 năm qua, Bộ Tài chính vẫn luôn nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, trong đó tập trung đến đối tượng DN FDI. Chính sách mà chúng tôi đưa ra mong muốn vừa phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu, chống chuyển lợi nhuận, chống xói mòn các nguồn thu và ngăn ngừa các hành vi chuyển giá, trốn thuế.

Với sự phát triển không ngừng của những tập đoàn đa quốc gia, thì các hành vi chuyển giá, trốn thuế ngày càng phức tạp. Do đó, chúng tôi đã có những biện pháp củng cố hành lang pháp lý để quản lý thuế đối với những DN có hành vi chuyển giá trốn thuế.

Chuyển giá, trốn thuế: Lắm chiêu trò, quản lý khó? - Hình 2

Có những DN báo lỗ đến hàng chục năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng hoạt động SXKD. Nếu không hiệu quả, tại sao họ lại đầu tư như vậy?

Gần đây, Chính phủ đã ban hành NĐ 20/2017/NĐ-CP nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn hành vi sắp đặt giao dịch nhằm chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế. Và việc cập nhật kịp thời xu hướng, các thông lệ mới nhất tại NĐ 20 và Thông tư 41/2017/TT-BTC có thể nói là bước tiến mới trong hành lang pháp lý.

Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo ngành thuế từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy để phù hợp, quản lý hiệu quả các hành vi chuyển giá, trốn thuế.

Năm 2012, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã banh hành QĐ số 741 về việc thành lập tổ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, theo đó, chức năng chống chuyển giá được tập trung, chuyên môn hóa tại cơ quan quản lý thuế cấp Trung ương (Tổng cục Thuế).

Năm 2015, đã đạt được những kết quả khi áp dụng mô hình thí điểm. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế, đảm bảo tính chuyên sâu, riêng biệt thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành các quyết định để thành lập 5 phòng thanh tra chuyên biệt, trong đó có phòng thanh tra giá trị chuyển nhượng.

Việc quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá trong thời gian qua, đã được thực nghiệm như thế nào?

Ngành thuế đang có những sửa đổi, bổ sung về Luật Quản lý thuế và có một cơ chế quản lý thuế trong giai đoạn tiếp theo. Trong cơ chế này, chúng tôi đưa ra mục tiêu quản lý thuế theo cơ chế rủi ro. Tức là, những DN nào có rủi ro cao về thuế, sẽ tiến hành thanh kiểm tra. Như vậy, sẽ đảm bảo việc tiết kiệm nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý thuế và tránh gây phiền hà cho DN.

Từ năm 2010 - 2014, ngành thuế đã tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các DN FDI bị lỗ nhiều năm liên tục và có dấu hiệu chuyển giá. Chúng tôi đang thanh tra những DN trên 20 năm lỗ, nhưng vẫn đầu tư vào hoạt động SXKD. Chúng ta phải đặt câu hỏi ngược lại: Nếu không hiệu quả, tại sao họ lại đầu tư như vậy?

Chúng tôi đã lập biên bản theo Luật Thanh tra để loại bỏ những chi phí không hợp lệ. Đặc biệt, trong 2 năm (2015 và 2016), theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành thuế đã thực hiện thanh kiểm tra 2 công ty kinh doanh trong hệ thống bán lẻ. Hai công ty này lỗ liên tục trong nhiều năm, kết quả, chúng tôi cũng đã truy thu hơn 4.000 tỷ đồng tiền thuế. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, chúng tôi đã có sự phối hợp với các ban, ngành, các cấp để đôn đốc 2 đơn vị này kê khai và nộp vào NSNN thuế TNDN.

Cũng bắt đầu từ năm 2012, Tổng Cục Thuế đã vào trực tiếp thanh tra giá chuyển nhượng ở một số DN và các DN này đã có điều chỉnh về giá chuyển nhượng, sau khi thanh tra. Năm 2013, Tổng cục Thuế đã hỗ trợ, hướng dẫn 17 đơn vị thuế để tiến hành thanh tra giá chuyển nhượng đối với một số DN trong các lĩnh vực dệt may, da giày. Trong công tác thanh tra giá chuyển nhượng này, đã có những điều chính và truy thu được ngân sách cho Nhà nước.

Từ năm 2015, sau khi thành lập phòng thanh tra giá trị chuyển nhượng, công tác thanh tra về chuyển giá đã được quan tâm, chú trọng hơn rất nhiều. Theo đó, ngoài việc tập trung đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra thuế đối với những DN lỗ liên tục có dấu hiệu chuyển giá, ngành thuế tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra các DN FDI có hoạt động giao dịch liên kết.

Trong quá trình quản lý thuế, Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế còn những khó khăn, vướng mắc gì?

Cơ sở dữ liệu so sánh đang trong quá trình củng cố, hoàn thiện, do đó cũng chưa được đầy đủ. Việc này, sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý thuế của cơ quan thuế.

Việc cơ sở dữ liệu của ngành thuế được đưa ra để làm căn cứ ấn định đối với người nộp thuế đang bị hạn chế bởi Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế. Tức là, cơ sở dữ liệu bí mật của người nộp thuế không được công khai, cho nên đây cũng là một vấn đề rất khó khăn. Người nộp thuế sẽ cảm thấy không được công khai, minh bạch và cơ quan thuế rất “ngại” vi phạm Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế trong việc bảo mật thông tin của người nộp thuế.

Khó khăn nữa là thời gian thanh tra không được lâu. Luật Quản lý thuế có quy định tránh gây phiền hà cho DN trong quá trình hoạt động SXKD. Và thời gian thanh tra của chúng tôi được quy định trong Luật Thanh tra, tính cả thời gian gia hạn dài nhất là 70 ngày. Việc thanh tra giá chuyển nhượng, cần rất nhiều thời gian để trao đổi thông tin, cho nên rất khó khăn để có một cuộc thanh tra theo quy trình, đúng quy định với thời gian như thế.

Ngoài ra, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan ban ngành chưa được thường xuyên, liên tục và kịp thời. Khi thanh tra, đối với một số DN lỗ kéo dài liên tục, các DN lớn, công ty đa quốc gia, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn.

Vậy theo bà, ngành thuế có định hướng, giải pháp gì trong thời gian tới?

Trước hết, ngành thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hoàn thiện khung hành lang pháp lý, đảm bảo quản lý một cách chặt chẽ đối với các nguồn thu từ các DN FDI và ngăn ngừa hạn chế hiệu quả các hành vi chuyển giá, trốn thuế.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành thuế. Theo đó, sẽ đẩy mạnh tiến trình mua cơ sở dữ liệu từ nước ngoài và hoàn thiện cơ sở dữ liệu hiện có để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý thuế.

Ngoài ra, sẽ tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành và chủ động tích cực trong hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết…

Trân trọng cảm ơn bà!

Anh Đức (Thực hiện)