Chống chuyển giá, trốn thuế: Không thể 'nắm đằng lưỡi'! - Hình 1

Ảnh minh họa

Tăng cường kiểm tra - kiểm soát

Đề cập tới vấn đề chuyển giá, Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) nhận định, chuyển giá diễn ra ngày càng tinh vi, nhất là giữa các DN liên kết trong khu vực FDI. Số lượng DN FDI hoạt động ở Việt Nam ngày càng tăng, có DN mở rộng mạng lưới nhà máy, cơ sở sản xuất rộng khắp nhưng vẫn báo lỗ. Chính vì vậy, việc đánh giá thực trạng và kết quả công tác phòng chống chuyển giá, trốn thuế là hết sức quan trọng.

Giải đáp cho băn khoăn đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, thời gian qua, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, với con số thống kê khoảng 300 tỷ USD, tính tới thời điểm hiện tại.

“Chuyển giá xuất hiện ở nhiều khâu, trong đó ngay từ khâu đầu tư, cấp phép, đưa máy móc vào giá thấp rồi báo giá cao để sau này khấu hao cũng là chuyển giá, cho nên khâu này cũng là khâu phải phối hợp các ngành.

Khâu thứ hai trong sản xuất, kinh doanh, năm 2016, Bộ đã kiểm tra được 1.406 cuộc đối với DN FDI; trong đó truy thu, truy hoàn, phạt về thuế 1.310 tỷ đồng, giảm lỗ 1.983 tỷ, giảm khấu trừ 3,6 tỷ. Năm 2017, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra tiếp 1.228 DN FDI, tổng số truy thu, truy hoàn và phạt 3.085 tỷ và giảm lỗ 6.812 tỷ, giảm khấu trừ 265 tỷ.

Tôi muốn báo cáo với Quốc hội như vậy để thấy chuyển giá và kê khai đang rất phức tạp”, Bộ trưởng nói.

Về các giải pháp chống thất thu, theo Bộ trưởng, ngay từ năm 1995, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát chuyển giá. Trong thời gian thực hiện, Bộ tiếp tục hoàn thiện các chính sách.

Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chống chuyển giá; kiện toàn bộ máy tổ chức và đào tạo phát triển nguồn nhân lực quản lý và chuyển giao. Đồng thời, củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, phục vụ cho quản lý thuế trong đó có quản lý về chuyển giá.

Bên cạnh đó, tăng kiểm soát chuyển giá thông qua đẩy mạnh hoạt động của từng tổ chức chức năng và xây dựng, đẩy mạnh Chương trình hợp tác quốc tế về chuyển giá.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vừa qua, chống chuyển giá và chống xói mòn cơ sở thuế là những nội dung được đề xuất lên hội nghị. Trên cơ sở tổng kết thực tế, cũng như kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 20 tháng 2/2017 quy định về quản lý thuế đối với DN phát sinh giao dịch liên kết kèm văn bản hướng dẫn. Trong đó, tập trung trên tinh thần hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh thanh, kiểm tra. Đây là hoạt động theo khuyến nghị của Tổ chức Phát triển OECD.

Thay đổi tư duy - phương thức

Dẫn một ví dụ cụ thể, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động rất mạnh đến sự phát triển của thương mại điện tử và ra đời các hoạt động kinh doanh mới như bán hàng qua mạng, kinh doanh Uber, Grab hoặc thanh toán điện tử lưu động của Alibaba.

Việc kiểm soát thuế mang tính chất truyền thống như hóa đơn, xác định mức thuế khoán như hiện nay đã không còn phù hợp, nảy sinh những tồn tại. Vấn đề Đại biểu Cường đặt ra với người đứng đầu ngành tài chính đó là cần làm gì để thay đổi phương thức kiểm soát thuế trong tương lai cho phù hợp với sự phát triển tiên tiến, khách quan của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, tại kỳ họp trước, ông có chất vấn về thử nghiệm Uber, Grab.

“Lần này, tôi muốn tiếp cận từ góc độ nguồn thu từ loại hình này, một loại hình phát triển vô độ, chiếm lĩnh thị phần lớn, nhưng đóng góp vào thuế thấp. Vậy vào thời điểm sắp kết thúc thử nghiệm, nếu kéo dài tình trạng này, chúng ta có tiếp tục hay không? Bởi vì, với một DN đầu tư rất ít, lỗ rất nhiều, nợ thuế rất nhiều và bản thân chủ nước ngoài lĩnh đủ. Tất cả những hệ lụy còn lại để ở trong nước”, Đại biểu Quốc đặt câu hỏi.

Theo đánh giá chung, dịch vụ của Uber hay Grab có nhiều ưu việt. Hiệu quả và hiệu ứng đã trông thấy rất rõ. Chính phủ cũng đánh giá rất cao việc ứng dụng công nghệ và mang lại tiện ích cho người sử dụng.

Nhưng theo ông Quốc, hiện tại Grab, Uber mới bộc lộ rõ nguồn thu và nghĩa vụ của các hãng sử dụng công nghệ cao này đối với nhà nước là chưa nhiều. Rõ ràng, đây là bài học “ứng xử” sao cho phù hợp, tức là vừa phải nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời vẫn đảm bảo được nguồn thu.

Nói về việc chuyển giá đang rất phức tạp và xung quanh câu chuyện có hay không vấn đề chuyển giá khi một công ty có vốn 20 tỷ đồng, tuy nhiên lại báo lỗ đến gần 938 tỷ đồng, Đại biểu Quốc nhận định, việc báo lỗ này rất dễ hiểu, có thể chính phần lỗ đó lẽ ra phải nộp cho nhà nước, thì họ đem đi khuyến mại cho khách hàng.

“Ngoài ra, cũng cần thấy rõ 2 vấn đề. Thứ nhất, chủ của Uber hay Grab ở nước ngoài và cứ “chằn chặn” bỏ túi trên dưới 20% lợi nhuận. Thứ hai, một khi xảy ra “đổ vỡ” thì họ vô can, tất cả hậu quả để lại cho chúng ta tự trang trải với nhau.

Chúng ta hoàn toàn đang nắm “đằng lưỡi” trong lĩnh vực này, từ đây rất có thể còn dẫn đến những hậu họa khác chưa thể lường hết. Đây là điều đáng ra phải nhìn thấy từ trước, vì bản chất ở đây là chuyển vốn. Chúng ta phải nhìn nhận lại những vấn đề đó để điều chỉnh chính những hoạt động sao cho phù hợp với thực tế”, Đại biểu Quốc nhấn mạnh.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý thuế đang được hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền. Thời gian qua, Uber, Grab cũng đã tự động kê khai doanh thu, kê khai thuế. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện ra và truy thu được số thuế của 2 đơn vị này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, vấn đề chính đặt ra cho ngành tài chính trong thời gian tới đó là phải thay đổi phương thức kiểm soát thuế, không chỉ dựa vào hóa đơn chứng từ, hay như đến điều tra rồi đưa ra mức thuế khoán. Bởi vì, trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh hiện nay, có nhiều DN không ở trong lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn có thể tiến hành kinh doanh. Phải làm thế nào để kiểm soát được mới là điều cốt lõi.

Trần Nguyên