ĐB Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương). (Ảnh: Báo Chính phủ)
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân, trong những ngày qua thông tin về kết quả tăng trưởng của nền kinh tế mà báo cáo Chính phủ trình bày thật sự đã gây ngạc nhiên cho cộng đồng đặc biệt là DN trong nước.
Con số hơn 25 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt xa kỳ vọng, tăng 34,3%. Vốn giải ngân bất ngờ tăng mạnh, vượt 13,4% so cùng kỳ. Đây được cho là nguyên nhân vực dậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng sau cơn địa chấn về thu hút FDI lại là nỗi lo âm ỷ của không ít nhà quản lý, các chuyên gia về câu chuyện giữa nhà đầu tư, giữa đầu tư nước ngoài và tăng trưởng.
ĐB Nhân phân tích rõ: Dù chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 50% giá trị sản xuất công nghiệp, nhưng khu vực FDI chỉ đóng góp vào ngân sách từ 15 - 19%, thấp nhất trong 3 khu vực. Thống kê giai đoạn 2007 - 2015 cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền.
Tuy nhiên, điều ngược đời là càng lỗ thì DN FDI càng mở rộng sản xuất. Chưa hết, thống kê trong 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2015 được công bố cho thấy một nghịch lý là DN FDI xuất hiện nhiều nhất: 46%. Nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng chỉ ở mức 37% và đang có xu hướng giảm dần.
Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá. Ở một góc nhìn khác, chỉ tiêu tăng trưởng tổng hợp từ nhiều yếu tố, trong đó có tổng kim ngạch xuất khẩu, thế nhưng con số 70% tổng kim ngạch xuất khẩu FDI giúp cho Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào. Do đó, lợi nhuận từ con số này là vô cùng thấp.
"Dù có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó cũng không đáng là bao. Thậm chí là bằng 0 khi bị báo cáo lỗ, 80% còn lại dĩ nhiên sẽ được FDI chuyển về chính quốc. Số 20% thu được từ đây cùng các khoản thu khác đang phải gồng gánh cho gần 70% chi thường xuyên của ngân sách. Con số ít ỏi còn lại không đủ chi cho đầu tư và trả nợ.
Câu chuyện nền kinh tế đang vướng trong bẫy thu nhập trung bình và sẽ còn bị giữ chặt trong một thời gian dài. Nguyên nhân chính xuất phát từ đây, đó cũng là câu lý giải vì sao nền kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập quốc gia và hiệu quả mang lại cho nền kinh tế không cao.
Các chính sách mà nhà nước ưu đãi đặc thù cho FDI, bao gồm miễn giảm thuế có thời hạn, cho phép chuyện lỗ, miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư. Trong khi đó, chúng ta lại cứng nhắc và khắt khe với chính người nhà của mình, người mà luôn đồng cam cộng khổ, có nhiều đóng góp cho kinh tế.
Câu chuyện Tập đoàn Viettel vỡ mộng khi bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác xin ưu đãi thuế giống như Sam Sung Việt Nam, hai khoản đầu tư 500 tỷ để phát triển khoa học công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính là ví dụ cho thấy.
Việc gánh vác vai trò làm động lực chính cho nền kinh tế còn khó khăn. Vừa bị thất thu thuế, những công nghệ lạc hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhân công rẻ, thiếu công bằng trong ưu đãi đầu tư. Cuối cùng là hệ lụy môi trường, những điều này có công bằng cho đất nước và nhân dân. Đã đến lúc chúng ta bình tâm suy xét trước khi quá muộn”, ĐB Nhân bày tỏ lo ngại.
Đưa ra kiến nghị không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc, ĐN Nhân nhấn mạnh tới việc, cần có cam kết lộ trình chuyển giao công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa, trên hết phải ưu tiên những lĩnh vực phù hợp với mục tiêu của đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là những điều cần phải có trên bàn đàm phán khi gọi mời đầu tư.
Trần Nguyên