Thông tin này được ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chia sẻ tại Hội thảo “Tối ưu hiệu quả marketing ngân hàng” trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Banking Conference chiều 22/4.
Ông Hòe phân tích môi trường vĩ mô mà các ngân hàng Việt Nam đang đối mặt, gọi đây là tổ hợp: Bất ổn, bất định, bất thường và khác thường. Những rủi ro từ bên ngoài như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chính sách thuế quan khó lường từ Washington, hay nguy cơ lạm phát đình trệ tại các nền kinh tế lớn đang khiến việc định vị khách hàng mục tiêu trở thành bài toán phức tạp.
Trong nước, các rào cản hành chính, sự chậm trễ trong xử lý pháp lý nhà đất, thay đổi con dấu, thủ tục công chứng… làm chậm luồng tín dụng cá nhân - động lực chính của tăng trưởng tiêu dùng.
Số liệu quý I/2025 cho thấy nghịch lý: Dù GDP tăng 6,93% (cao nhất 5 năm), tăng trưởng tín dụng đạt 2,46%, huy động vốn tăng 1,36% và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 1,99%, nhưng không kéo được dòng tiền vào ngân hàng.
Ông Hòe nhấn mạnh về cơ hội lớn trong thời gian tới: Sắp tới, 130.000 tỷ đồng chi trả cho công chức nghỉ hưu sớm sẽ được tung ra thị trường. Ngân hàng nào thiết kế được sản phẩm đủ tin cậy để giữ chân dòng tiền này sẽ chiến thắng. Muốn vậy, cần bắt đầu từ hành vi của người đứng đầu.
Theo ông Hòe, để tận dụng dòng tiền này, các ngân hàng phải tập trung quy hoạch sản phẩm và dịch vụ đủ tốt, tạo được niềm tin và giữ chân khách hàng trong một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
“Marketing ngân hàng không thể chỉ là việc làm đẹp hình ảnh. Đó là chuyện của CEO, là một phần của văn hóa điều hành” - ông Hòe chia sẻ thêm.
Dựa trên sơ đồ phân loại các cấp độ ngân hàng từ 1.0 đến 4.0 do chính ông Hòe trình bày tại Hội thảo, có thể thấy, chuyển dịch trải nghiệm không còn là xu hướng, mà là bắt buộc. Nếu ngân hàng 1.0 chỉ tập trung vào giao dịch vật lý, 2.0 mới dừng ở internet banking, 3.0 tạo ra sự nhất quán giữa các kênh, thì 4.0 là cấp độ “ngân hàng thông minh” - nơi dữ liệu lớn, AI, API mở, eKYC và điện toán đám mây cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái cá nhân hóa theo thời gian thực.
Tuy nhiên, theo ông Hòe, hiện nay chỉ khoảng 37% ngân hàng tại Việt Nam đạt đến cấp độ 4.0, phần lớn vẫn kẹt ở mô hình đa kênh rời rạc. Điều này lý giải vì sao chỉ số “sẵn sàng trả giá cao” toàn ngành năm 2024 giảm 9 điểm - khách hàng chưa thấy lý do để trung thành. Họ dễ rời bỏ, dễ bị hấp dẫn bởi ưu đãi mới, và ít gắn bó cảm xúc với ngân hàng.
Ông nhấn mạnh: “Thương hiệu không còn là khẩu hiệu. Nó là hành vi. Là tốc độ xử lý trên app, độ chính xác của tổng đài, sự thấu cảm của giao dịch viên và khả năng phản hồi theo thời gian thực của hệ thống. Không có điều đó, không có thương hiệu”.
Từ những chia sẻ của chuyên gia Phạm Xuân Hòe tại Vietnam Banking Conference 2025, rõ ràng marketing ngân hàng đang bước vào giai đoạn “tái định nghĩa”. Để phát triển bền vững trong giai đoạn 2025 - 2035, không chỉ cần công cụ công nghệ, mà quan trọng hơn, cần một tư duy lãnh đạo mới: Lấy khách hàng làm trung tâm, lấy hành động thay lời nói.
Vietnam Banking Conference 2025 là sự kiện thường niên do Mibrand Việt Nam tổ chức, đồng hành cùng BlueC, MVV SnP, MVV Group và được bảo trợ truyền thông bởi Người quan sát. Báo cáo Brand Beat Score 2024 được công bố trong khuôn khổ sự kiện dựa trên kết quả đo lường sức khỏe thương hiệu với 7 chỉ số đánh gia và với hơn 2.000 cuộc khảo sát người tiêu dùng trên toàn quốc, phản ánh chân thực khoảng cách giữa nhận thức và trải nghiệm thương hiệu trong ngành ngân hàng hiện nay.
Đây không chỉ là bảng xếp hạng, mà là “tấm gương chiến lược” cho các ngân hàng đang đi qua giai đoạn tái định nghĩa vai trò và trách nhiệm thương hiệu trong thời đại công nghệ số.
Mạnh Tiến