Cụ thể, trong Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 09 tháng năm 2022, Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt khoảng 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch.

Sau 09 tháng, 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 89% tổng xuất khẩu cả nước. Nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%.

Đây là kết quả từ sức tăng trưởng cộng dồn ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 10,69% (quý I tăng 7,85%; ưuý II tăng 11,07%; ưuý III tăng 13,02%), đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tổng thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 09/2022 ước khoảng 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng 8, nhưng vẫn tăng 10,3% so với cùng kỳ tháng 09/2021.

Về sản xuất công nghiệp, 61/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Một số nơi đạt mức tăng 2 con số ấn tượng như: Bắc Giang 46,6%; Cần Thơ 37,1%; Quảng Nam 30,3%; Vĩnh Long 30,7%; Kiên Giang 26,8%; Khánh Hòa 26,8%; Bến Tre 24,2%. Điều này giúp IIP tháng 09/2022 tăng 1,8% so với tháng 08/2022, và tăng tới 13% so với cùng kỳ 2021.

Chỉ số sản xuất 09 tháng của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 31,9%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 14,9%... Ngược lại, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,4%; sản xuất kim loại giảm 0,8%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 09 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ như: Bia tăng 35,8%; thủy hải sản chế biến tăng 20,4%; linh kiện điện thoại tăng 17,3%; ô tô tăng 16,5%; thép thanh, thép góc tăng 15,4%; quần áo mặc thường tăng 13,2%; thuốc lá điếu tăng 11,4%; giày, dép da tăng 10,2%; sơn hóa học tăng 10,1%; bột ngọt tăng 9,6%.

Tuy nhiên, một số sản phẩm lại giảm sâu như: Sắt, thép thô giảm 13,7%; điện thoại di động giảm 5,8%; phân hỗn hợp NPK giảm 4,1%; thức ăn cho thủy sản giảm 3,3%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 3,1%; khí hóa lỏng LPG giảm 2,5%; tivi các loại giảm 1,8%; dầu thô khai thác giảm 0,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 09 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung 09 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Động lực chính là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), đạt mức xuất siêu 29,41 tỷ USD.

Xác định 03 tháng cuối năm 2022 giữ vai trò quan trọng, Bộ Công thương sẽ lên kế hoạch khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa. Ngoài ra, Bộ cùng các đơn vị trực thuộc sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa để chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế.

Lê Pháp (t/h)