Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết: “Trung Quốc có lẽ vẫn là đối tác thương mại số một của phần lớn các quốc gia trên thế giới”. Mặc dù có một số phần trong tổng thương mại với Trung Quốc đã suy giảm nhưng sự tham gia và tầm quan trọng của nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn không hề suy giảm.

Thương mại của Trung Quốc với các đối tác lớn đã giảm vào năm 2023, thể hiện qua xuất khẩu hàng năm của nước này đã giảm lần đầu tiên sau 07 năm do nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc giảm trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, theo tổ chức nghiên cứu Wilson Center của Mỹ, cường quốc kinh tế này vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 quốc gia và vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.

Theo nhà kinh tế trưởng Albert Park, mặc dù điều này có thể đúng đối với một số hàng hóa hoặc quốc gia cụ thể đang “rất tích cực cố gắng hạn chế thương mại của Trung Quốc”, nhưng trên quy mô toàn cầu, việc xóa bỏ liên kết ít rõ ràng hơn nhiều. Ngay cả sau cuộc xung đột thương mại do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu vào năm 2018, tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn không hề suy giảm.

Thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2018 với việc cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế và các rào cản thương mại khác đối với Trung Quốc. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế toàn cầu, chiếm 18% GDP toàn cầu và vẫn được xem là nền kinh tế thương mại lớn nhất thế giới.

“Câu chuyện về việc Trung Quốc bị tách khỏi nền kinh tế toàn cầu – tôi nghĩ những điều đó nhìn chung có lẽ là cường điệu hóa hoặc rất phiến diện”, ông Albert Park nói.

Về phía Trung Quốc, việc theo đuổi khả năng tự lực đã làm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài, tăng cường xuất khẩu vốn đã gắn liền với tăng trưởng của nước này.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết trong một tuyên bố gần đây vào tháng Hai: “Như tất cả đã nói, việc hủy bỏ liên kết giữa quy trình sản xuất và tiêu dùng toàn cầu từ Trung Quốc là không thể tránh khỏi”.

Mỹ và EU đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty Trung Quốc, đây là động thái có thể gây tổn hại hơn nữa cho nền kinh tế Trung Quốc khi nước này cố gắng thoát khỏi tình trạng ảm đạm hậu Covid. Những nghi ngờ về việc đầu tư vào Trung Quốc ngày càng gia tăng khi nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với áp lực từ giảm phát, suy thoái kinh tế và thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

Điều này có ý nghĩa gì đối với Châu Á?

Nhà kinh tế trưởng Albert Park lưu ý rằng, khi các liên kết thương mại toàn cầu của Trung Quốc vẫn mở rộng, và câu chuyện phục hồi tăng trưởng bị cản trở của nước này tiếp tục gây rủi ro cho môi trường thương mại châu Á.

“Trung Quốc vẫn là một rủi ro quan trọng về phía cầu, bởi vì vẫn còn rất nhiều câu hỏi về khả năng phục hồi của tăng trưởng Trung Quốc… Chúng tôi thường có một nguyên tắc chung là tăng trưởng chậm hơn 1% ở Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu xuất khẩu khoảng 0,3%”, ông cho biết.

Các yếu tố khác cũng gây trở ngại cho hệ sinh thái thương mại Châu Á. Nhà kinh tế trưởng Albert Park phỏng đoán rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức vừa phải sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Châu Á.

Tuy nhiên, ông kỳ vọng chu kỳ bán dẫn sẽ phục hồi, điều này có thể mang lại một số hy vọng cho các nền kinh tế xuất khẩu công nghệ cao ở Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Trong Báo cáo hội nhập kinh tế Châu Á năm 2024 công bố hôm thứ Hai (26/02), ADB cho biết nhu cầu được cải thiện từ Mỹ và EU, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Ấn Độ cũng có khả năng mang lại lợi ích cho triển vọng thương mại của Châu Á.

Thương mại Châu Á năm ngoái ở tình trạng “đình trệ” và dưới mức năm 2022 do chính sách tiền tệ toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và sự suy thoái trong chu kỳ bán dẫn.

Hà Trần (t/h)