Người trồng hồ tiêu gặp khó khăn
Không thể phủ nhận, một thời hồ tiêu đã là nguồn thu chính giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, có bát ăn, bát để, thậm chí trở thành tỷ phú. Với giá hồ tiêu có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, thì khi ấy, hồ tiêu đã trở thành “vàng đen” hỗ trợ tích cực người nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Cũng không có gì khó hiểu khi hồ tiêu đã là lựa chọn đầu tiên và phổ biến của người nông dân khu vực Tây Nguyên khi muốn gây dựng cơ ngơi hay mở rộng sản xuất nông nghiệp.
Diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã được mở rộng liên tục. Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vững vị thế số một thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, năm 2001 cả nước có 35,3 nghìn ha, thì đến năm 2018 diện tích hồ tiêu là 149,8 ngàn ha, tăng hơn 400%, chiếm trên 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Thế giới. Hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến đến 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2001 chỉ đạt 90 triệu USD, thì đến năm 2018 kim ngạch đạt 758,8 triệu USD, tăng hơn 700%.
Hồ tiêu sẽ phát triển tốt nếu ngay từ đầu được lựa chọn giống tốt và được trồng theo phương pháp hữu cơ
Tuy nhiên, sau khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt kỷ lục năm 2016 là 1,422 tỷ USD, thì ba năm gần đây (2017-2019) giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục giảm do nguồn cung liên tục tăng từ 8%-10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. Cung vượt cầu khiến giá tiêu lao dốc, nay giá hồ tiêu chỉ còn khoảng 45.000 - 46.000 đồng/kg. Dự báo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới vẫn trong xu hướng tăng nên giá cả có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống. Hồ tiêu rớt giá, nhiều hộ trồng tiêu trong cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ khó khăn về rớt giá, mà ngành hồ tiêu đang gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh lây lan và gây hại trên diện rộng trong những năm gần đây. Cùng với diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường khiến cho cây tiêu càng dễ nhiễm bệnh và phát bệnh nhanh hơn. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vòng bốn tháng, hai hội nghị lớn về tháo gỡ khó khăn cho ngành hồ tiêu đã được diễn ra nhằm tìm ra những giải pháp căn cơ giúp người nông dân giảm bớt khó khăn và phát triển bền vững ngành hồ tiêu nước nhà. Ngày 10/5/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có buổi làm việc cùng UBND tỉnh Gia Lai và các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trồng hồ tiêu tại Gia Lai. Mới đây, ngày 23/8/2019, tại tỉnh Đăk Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Đăk Nông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức hội nghị bàn về việc phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do. Tại hội nghị và trên thực tế, Agribank luôn khẳng định quan điểm xuyên suốt trong việc hỗ trợ tối đa và tích cực giúp người nông dân trồng hồ tiêu và ngành hồ tiêu tiếp tục phát triển bền vững.
Những nỗ lực của Agribank hỗ trợ người trồng hồ tiêu
Trong 31 năm qua, Agribank luôn kiên định mục tiêu là ngân hàng chủ lực, chủ đạo trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Agribank triển khai mạnh mẽ nhiều chương trình tín dụng chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn: 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Agribank luôn dành trên 70% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và chiếm trên 50% thị phần ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Agribank đã có những đóng góp cụ thể và tích cực cho bước phát triển của nền nông nghiệp nước nhà trong suốt 31 năm qua.
Agribank luôn hỗ trợ tối đa người nông dân vượt qua khó khăn phát triển sản xuất
Đến 31/07/2019, tổng nguồn vốn của Agribank huy động trên thị trường 1 đạt 1.255.727 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 1.043.190 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 738.258 tỷ đồng. Riêng khu vực Tây nguyên dư nợ đạt 87.922 tỷ đồng, trong đó dư nợ nông nghiệp nông thôn là 74.316 tỷ đồng, chiếm 84,9%. Dư nợ tín dụng đối với ngành hồ tiêu của Agribank đến 31/07/2019 đạt 3.580 tỷ đồng, với 18.365 khách hàng. Trong đó Agribank chủ yếu đầu tư cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu, thu mua chế biến và xuất khẩu.
Trước tình hình khó khăn, thiệt hại của người dân trồng hồ tiêu, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh chủ động rà soát, kiểm tra và phân loại khách hàng, thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Agribank tạo điều kiện cho khách hàng còn nguồn thu và có thiện chí trả nợ được tiếp tục vay vốn tái đầu tư/chuyển đổi cơ cấu cây trồng/vật nuôi, dần có nguồn thu để đảm bảo cuộc sống. Agribank đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gốc, lãi) cho các hộ vay bị thiệt hại theo hướng phù hợp với nguồn thu nhập và đúng quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Agribank đã điều chỉnh giảm lãi suất/miễn, giảm lãi, thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau cho các hộ dân có thiện chí trả nợ. Ngoài ra, Agribank còn tích cực và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thống kê tình hình thiệt hại thực tế của người dân làm cơ sở để sớm có các giải pháp chỉ đạo, khắc phục tiếp theo dành cho người dân.
Agribank tiếp tục bám sát và đánh giá kịp thời về thiệt hại của cây hồ tiêu để đề ra biện pháp và giải pháp khắc phục nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong thời gian tới. Hiện tại, tổng dư nợ được Agribank cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 406 tỷ đồng, dư nợ được miễn, giảm lãi vay là 44 tỷ đồng, cho vay mới là 602 tỷ đồng. Trong đó, tại tỉnh Đắc Nông: dư nợ cho vay hồ tiêu đạt 827 tỷ đồng, dư nợ hồ tiêu bị thiệt hại 40 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu thời hạn nợ 38 tỷ đồng, cho vay mới 52 tỷ đồng.
Trong mọi trường hợp, dù khó khăn hay thuận lợi, Agribank luôn sát cánh cùng người nông dân, giúp người nông dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp nói chung và ngành hồ tiêu phát triển bền vững thì cần sự vào cuộc đồng bộ từ các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Agribank đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ có chính sách khoanh nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng trồng, chăm sóc hồ tiêu bị thiệt hại; Chính sách trích lập dự phòng, xử lý rủi ro phù hợp đối với thiệt hại vốn ngân hàng cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu.
Những cây hồ tiêu đang được trồng mới theo phương pháp hữu cơ tại Tây Nguyên
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần có chính sách hỗ trợ, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp từ kiểm soát chất lượng cây giống, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung... Nhà nước, UNBD tỉnh… cần xây dựng chính sách khuyến khích các đơn vị hoạt động trong ngành nông nghiệp tham gia trồng, chăm sóc, thu mua, chế biến xuất khẩu tiêu; Tiếp tục có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp triển khai thực hiện các mô hình chuỗi giá trị; Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Bảo hiểm trong nông nghiệp…
Đồng thời, người nông dân cần được hỗ trợ tích cực và kịp thời về kỹ thuật, giống cây trồng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong canh tác. Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần ổn định sản xuất, chuyển đổi dần các vườn tiêu không đảm bảo yêu cầu sang trồng cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với những vườn hồ tiêu đang phát triển, cần được nuôi trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường để đảm bảo sự sinh trưởng bền vững cho cây trái.
Lại Hương