Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường theo định hướng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “Tam nông”, có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Agribank đã và đang tập trung nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án tạo ra giá trị tăng thêm, dự án năng lượng sạch, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Định hướng ưu tiên phát triển các dự án xanh

Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Những năm qua, chúng ta đã và đang chịu nhiều tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, biểu hiện rõ ở nhiều lĩnh vực như: tài nguyên nước, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, phát triển đô thị và nhà ở, du lịch, sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới và trẻ em, thương mại, năng lượng, công nghiệp... Những vấn đề này xảy ra ở các hầu hết các khu vực, từ ven biển, đồng bằng tới miền núi.

Từ năm 2017, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện đến năm 2030 về chương trình phát triển bền vững được ban hành hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương.

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Tiếp đó, tháng 11/2021, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), lần đầu tiên Việt Nam đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việt Nam cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030; đồng thời kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển phải chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm mê-tan.

Đầu tư các dự án xanh là xu hướng tất yếu để tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu
Đầu tư các dự án xanh là xu hướng tất yếu để tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu

Xác định phát triển các dự án xanh chính là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải, theo đó, việc sản xuất kinh doanh hiện nay đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chí xanh, có sự chuyển đổi trong hoạt động để giảm tác động xấu đến môi trường và tạo ra những giá trị bền vững. Các dự án đạt được tiêu chí này chính là những tín chỉ carbon quan trọng, là “tấm vé thông hành” để đưa các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đây là cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp có những thay đổi quan trọng trong phát triển, cải tiến quy trình, sử dụng vật liệu xanh, tối ưu hóa quản lý chất thải.

Cùng với sự chuyển đổi của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cũng phải định hướng xây dựng tiêu chí tài chính xanh với những cơ chế tài chính ưu tiên, đóng góp vào công cuộc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức về môi trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ về tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nắm bắt định hướng và mục tiêu của Chính phủ về tăng trưởng xanh, trong hoạt động tín dụng, Agribank xác định ưu tiên cấp vốn cho các dự án xanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh, Agribank đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ, trong đó có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon. Trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng; Điện gió; Đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… 

Agribank tích cực triển khai các giải pháp phát triển bền vững

Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong nông nghiệp, nông thôn là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “Tam nông”, có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, để thực hiện quá trình phát triển xanh, phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh, Agribank luôn cải tiến các cơ chế, quy trình và có những phương án để khách hàng tiếp cận với hệ thống tài chính xanh như: cho vay qua tổ vay vốn, cho vay bằng hình thức xe lưu động. Trong đó, điểm giao dịch lưu động là một trong các sáng kiến mới của Agribank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt để mang nguồn vốn tới vùng sâu vùng xa.

Xe lưu động là sáng kiến của Agribank giúp người dân ở địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận hệ thống tài chính xanh
Xe lưu động là sáng kiến của Agribank giúp người dân ở địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận hệ thống tài chính xanh

Agribank cũng đã sớm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016 với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm.
Giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh của Agribank tăng trưởng nhanh chóng lên đến 350%/năm. Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như đại dịch COVID-19, căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraina và các nước phương Tây, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam... tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.

6 tháng đầu năm 2023, dư nợ của Agribank đã tăng trưởng bằng năm 2022, tuy dư nợ lớn nhưng số lượng khách hàng đạt tiêu chuẩn tín dụng xanh của Agribank luôn chiếm cao nhất, khoảng 43.000 khách hàng. Đặc biệt, Agribank phát triển mạnh dư nợ tín dụng xanh trong lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh. Dư nợ cho vay các lĩnh vực xanh của Agribank như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tại, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh tăng trưởng ổn định qua nhiều năm. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)… mang lại sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Agribank ưu tiên nguồn vốn cho các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao
Agribank ưu tiên nguồn vốn cho các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao

Trong quá trình hiện thực hóa chiến lược phát triển, Agribank cũng đã xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của ngân hàng…); xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đang nỗ lực đẩy mạnh tín dụng xanh và thực hiện các hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển nền kinh tế bền vững, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức cấp bách của toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Phương Liên