Chiều 13/05, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức hội thảo trên nền tảng web (webminar) về Phục hồi Kinh tế ở ASEAN + 3: Những động lực mới của Tăng trưởng và Lạc quan.
“Webminar này là sự kiện bên lề của Hội nghị lần thứ 25 các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN + 3. Hội nghị đã thảo luận về hỗ trợ chính sách ứng phó với đại dịch, các cơ hội tăng trưởng mới và hợp tác khu vực. Với tư cách là cố vấn chính sách của khu vực, ADB và AMRO tổ chức webminar này để tiếp tục cuộc trò chuyện giữa các Bộ trưởng và Thống đốc ASEAN + 3 về các động lực tăng trưởng mới sau đại dịch ”, ông Toshinori Doi, Giám đốc AMRO cho biết.
“Covid-19 vừa là chất gây rối loạn chính vừa là chất xúc tác cho sự thay đổi. Những ảnh hưởng để lại từ đại dịch đối với lao động, vốn và năng suất có thể đã phủ bóng lên tăng trưởng dài hạn. Nhưng đại dịch cũng đã thúc đẩy sự đổi mới trong các lĩnh vực như bán lẻ, tài chính và chăm sóc sức khỏe, có thể nâng cao các nền kinh tế của khu vực về lâu dài hướng tới tăng trưởng dựa trên năng suất cao hơn”, ông Toshinori Doi nói. Đồng thời, ông cũng thừa nhận những yếu tố bên ngoài tác động đến sự phát triển của khu vực, đó là, xung đột ở Ukraine đã khiến giá năng lượng và giá hàng hóa nông sản chính tăng cao, đồng thời làm trầm trọng thêm các nút thắt trong chuỗi cung ứng. Nếu kéo dài, nó có thể khuếch đại những rủi ro hiện có.
Hội thảo trực tuyến của ADB - AMRO tập trung vào một số vấn đề quan trọng đối với quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực, bao gồm thảo luận các tác động của đại dịch và động lực tăng trưởng mới trong các ngành ở cấp độ quốc gia và khu vực.
Theo bà Marthe M. Hinojales - nhà kinh tế, giám sát khu vực (AMRO), sự liên kết mạnh mẽ trong khu vực sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy đà tăng trưởng. “Ngành du lịch cần thời gian để phục hồi thì các dịch vụ kỹ thuật số có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất cao ở khu vực trong dài hạn”, bà Marthe M. Hinojales nhận định.
Trong khi đó, ông James Villafuerte - chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc ADB - chỉ ra những rủi ro hậu đại dịch Covid-19 gồm giá dầu và hàng hóa tăng vọt, các nước trong khu vực chấm dứt chương trình lãi suất thấp và tình trạng kinh tế trì trệ. Chính vì vậy, ông James Villafuerte kêu gọi các nước thúc đẩy môi trường đầu tư và thương mại cởi mở thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, hội nhập tài chính và nâng cấp công nghệ sẽ giúp tăng cường liên kết khu vực.
Bên cạnh đó, các chuyên gia AMRO cho rằng, tại ASEAN+3 rủi ro tài chính vẫn còn cao ở nhiều nền kinh tế do ảnh hưởng đại dịch, do vậy các nhà hoạch định chính sách ASEAN+3 cần có hành động cân bằng quan trọng, tránh rút hỗ trợ chính sách sớm để duy trì sự phục hồi kinh tế.
Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định: Nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với các biến chủng mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế. Áp lực gia tăng lạm phát đang tăng mạnh. Một số chỉ số quan trọng như chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên liệu cho sản xuất có thể thấy xu hướng tăng giá sản xuất đối với khu vực công nghiệp là khá rõ.
“Lực đẩy cho kinh tế Việt Nam năm 2022 đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, cùng với sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho thúc đẩy sản xuất, ông Thắng nói.
Hội thảo không chỉ đề cập đến các ngành như du lịch, may mặc, chế biến nông sản, và hướng đi của những ngành này trong một thế giới hậu đại dịch, mà còn thảo luận về các ngành nổi lên với tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai, như điện tử, thương mại số và dịch vụ số. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng thảo luận về phản ứng chính sách đối với một số rủi ro, bao gồm lạm phát gia tăng và gián đoạn nguồn cung từ xung đột ở Ukraine.
Minh An (T/h)