Theo đó, Kế hoạch được ban hành với mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Hòa Hiệp của huyện Xuyên Mộc; xã Xuân Sơn, xã Bình Giã, xã Bình Trung của huyện Châu Đức; xã Long Sơn của thành phố Vũng Tàu) nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao toàn tỉnh lên 35/47 xã, đạt 74,46%; 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã An Nhứt, An Ngãi của huyện Long Điền; xã Long Tân của huyện Đất Đỏ; xã Suối Nghệ của huyện Châu Đức; xã Bưng Riềng của huyện Xuyên Mộc); thành phố Vũng Tàu và huyện Côn Đảo được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022; huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; đồng thời tổ chức đánh giá, phân hạng cho 30 sản phẩm của các địa phương trong năm 2023, nâng tổng số sản phẩm OCOP của toàn tỉnh là 119 sản phẩm.
Để đạt các mục tiêu đề ra, Kế hoạch triển khai một số giải pháp cụ thể như:
Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ tham gia chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình ở tất cả các cấp nhằm nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện chương trình, trọng tâm là cán bộ thôn, xã và hướng dẫn cập nhập kiến thức, thông tin chính sách trong chỉ đạo điều hành, các cơ chế, chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xây dựng nông thôn mới, bảo đảm hiệu quả, kịp thời phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; tập trung huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với công tác thi đua khen thưởng; thường xuyên tổ chức thực hiện ký giao ước thi đua năm 2023 trong các phong trào xây dựng nông thôn mới rộng khắp giữa chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đơn vị...
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan phụ trách tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại địa phương, trên cơ sở đó tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện định kỳ thời gian 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh) chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất về tiến độ, chất lượng, kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương theo đúng quy định.
Giao Các Sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh và UBND, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố cũng thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm theo Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25/7/2022 về việc Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ thì nghiên cứu xây dựng, đề xuất các giải pháp gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh và UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Thuận Yến - Thuỳ Linh