Ngày 30/6, các hãng thăm dò IFOP, Ipsos, OpinionWay và Elabe cho biết, đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu của Pháp đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng 1 tại nước này, với việc giành được khoảng 34% số phiếu bầu.
Hãng tin Reuters dẫn kết quả thăm dò cho biết, Liên minh Mặt trận bình dân mới (NFP) cánh tả được cho là đứng thứ hai với khoảng 29% số phiếu, xếp trên khối trung dung “Cùng nhau vì nền Cộng hòa” của Tổng thống Emmanuel Macron ở vị trí thứ ba với khoảng 20,5-23%.
Elabe cho hay, ước tính, RN và các đồng minh có thể giành được khoảng 260-310 ghế tại Quốc hội Pháp trong vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7/7 tới, trong khi Ipsos dự kiến, RN và các đồng minh có khoảng 230-280 ghế trong cuộc thăm dò thực hiện cho Đài truyền hình Pháp.
Các đảng phái cần có 289 ghế để đạt được thế đa số tuyệt đối tại Hạ viện Pháp.
Trước kết quả này, hãng tin AFP dẫn lời lãnh đạo RN Jordan Bardella, 28 tuổi, tuyên bố: “Người dân Pháp đã đưa ra một phán quyết rõ ràng”.
Chính trị gia trẻ tuổi nhấn mạnh, ông muốn trở thành Thủ tướng "của toàn thể người Pháp", người tôn trọng Hiến pháp và "chung sống" với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, song "không khoan nhượng".
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp đương nhiệm Gabriel Attal kêu gọi cử tri không trao cho phe cực hữu “một phiếu bầu nào” trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng 2.
Cảnh báo nguy cơ RN giành được thế đa số tuyệt đối, ông Attal nói: “Phe cực hữu đang ở ngưỡng cửa quyền lực... Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: ngăn chặn RN được bầu tại vòng 2. Không được có một phiếu bầu nào thuộc về RN".
Ngày 30/6, người dân Pháp đã đi bầu cử Quốc hội vòng một. Ước tính có khoảng 64% số cử tri đi bỏ phiếu tại vòng một, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 51,5% tham gia bầu cử Nghị viện Châu Âu vừa diễn ra và 47,5% tại vòng một bầu cử lập pháp năm 2022.
Theo danh sách công bố, vòng một bầu cử sớm sẽ có sự tham gia của 4.011 ứng cử viên, giảm mạnh so với tổng số 6.293 người năm 2022. Nguyên nhân là do các nhóm chính trị không có đại diện trong Quốc hội vừa giải tán không có thời gian để tìm chọn ứng cử viên.
Các đại biểu được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, bỏ phiếu đơn danh và hai vòng, thay vì theo danh sách như bầu cử Nghị viện Châu Âu. Để thắng cử ngay từ vòng một, ứng cử viên phải đạt được từ 50% số phiếu bầu trở lên và số phiếu phải bằng 25% số cử tri đã đăng ký tại khu vực bầu cử.
Ngoại trừ số rất ít trúng cử ngay vòng một, số ứng cử viên còn lại phải tiếp tục tranh cử tại vòng hai. Bất cứ ứng cử viên nào thu được hơn 12,5% số phiếu, tính theo tổng số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử, cũng đều được vào vòng hai để lấy đủ 577 nghị sĩ dân biểu.
Phe đa số quá bán của Quốc hội, về cơ bản sẽ quyết định thành phần chính phủ và công việc quản trị đất nước.
Trong chiến dịch tranh cử, ba khối chính trị lớn nhất, gồm phe đa số sắp mãn nhiệm, phe cực hữu của đảng RN và phe cánh tả của NFP, đều lấy chủ đề cải thiện sức mua làm ưu tiên hàng đầu cho dù mỗi đảng đề xuất biện pháp thực hiện khác nhau.
Trong khi các cam kết của phe đa số được đánh giá là phù hợp với thực tế, thì các đề xuất của phe cực hữu và phe cánh tả đã ít nhiều gây nghi ngại cho giới quan sát do có nhiều khúc mắc về nguồn tài chính để hiện thực hóa.
Mặc dù vậy, phe đa số cũng không tạo được đột phá nào để cải thiện vị trí. Theo các cuộc thăm dò, cho đến trước ngày bầu cử, liên minh “Cùng nhau vì nền Cộng hòa” của Tổng thống Macron vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ ba, sau đảng RN và Liên minh NFP.
Để ngăn chặn các đối thủ, phe của Tổng thống Macron đã quyết định không tham gia tranh cử tại 65 khu vực mà các ứng cử viên của khối này không có cơ hội giành chiến thắng. Phe đa số muốn thúc đẩy cuộc bỏ phiếu hữu ích và tạo cơ hội cho các ứng cử viên là đối thủ của RN và NFP.
Theo Reuters/AFP