THCL Bầu cử ĐBQH khóa XIV đang tiến hành các bước đầu tiên để lựa chọn những ứng viên tiêu biểu nhất. Đâu là những điểm mới trong vấn đề này được dư luận quan tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UB MTTQ VN, lần này, người đang bị tạm giữ, tạm giam có quyền được ghi tên vào danh sách cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi mà họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
Mặt khác, ở các cuộc bầu cử trước, vấn đề hiệp thương, tổ chức hội nghị nơi cư trú, nơi công tác và các vấn đề khác đều trong Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc các văn bản hướng dẫn riêng của UBTVQH, Chính phủ. Nhưng lần này, luật Bầu cử quy định rõ một số vấn đề như: Hội đồng Bầu cử Quốc gia ban hành văn bản quy định về mẫu hồ sơ ứng cử, thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử. UBTVQH hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú; hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã... UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về quá trình hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND...
Hiện nay, đang trong giai đoạn các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành tổ chức giới thiệu người đại diện cơ quan, tổ chức đơn vị mình ra ứng cử. Theo báo cáo nhanh qua điện thoại, fax, email, các địa phương tiến hành rất tốt.
Những người tự ứng cử cũng đang nộp hồ sơ tự ứng cử. Người tự ứng cử có thể lấy hồ sơ tại website của Hội đồng bầu cử Quốc gia hoặc tại sở Nội vụ là nơi thường trực của UB bầu cử cấp tỉnh.
Việc có một bộ hồ sơ ứng cử là hết sức bình thường, đơn giản. Điều quan trọng, người có ý định tự ứng cử cần cân nhắc, đối chiếu các quy định pháp luật xem mình có đủ tiêu chuẩn ứng cử, đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ của người ĐBQH hay không.
Chất lượng ĐBQH phải được đặt lên hàng đầu, trên cơ sở đảm bảo cơ cấu, thành phần được phân bổ. Hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng ĐB người dân tộc thiểu số trong Quốc hội.
“Qua thực tế, một số nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, một số ĐBQH là người dân tộc thiểu số chưa thực sự phát huy được vai trò đại diện cho dân tộc mình nói riêng và cho các dân tộc thiểu số nói chung trong Quốc hội. Một trong những nguyên nhân là do một đại biểu cùng lúc “gánh” nhiều cơ cấu như vừa là phụ nữ, vừa là trẻ tuổi, vừa là người ngoài Đảng... Thực sự, việc lựa chọn một người vừa đảm bảo cơ cấu, vừa đảm bảo chất lượng cao là người dân tộc thiểu số là việc làm khó khăn” – ông Pha cho biết.
Theo quy định, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ giúp cho UBTVQH phối hợp với các địa phương tìm những người thực sự tiêu biểu để dự kiến ứng cử ĐBQH. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, có một thực tế là những người dân tộc thiểu số có học vấn cao, có năng lực thì phần nhiều đã được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo địa phương như bí thư, chủ tịch UBND, giám đốc sở...
Theo chủ trương chung, địa phương phải giảm tối đa khối hành pháp, vì thế mà không thể chọn những người này được. Một số nơi buộc phải chọn từ cơ sở là những cá nhân sản xuất giỏi, phụ nữ... Những người này tiêu chuẩn đủ, nhưng thực sự có nói được tiếng nói của dân tộc họ đại diện hay không cũng là điều khó khăn.
Trước thực tế hiện nay là mạng xã hội rất phát triển, vậy người tự ứng cử, người được đề cử tham gia bầu cử ĐBQH có được vận động bầu cử qua mạng xã hội hay không cũng được nhiều người quan tâm.
Ông Pha cho hay, Luật Bầu cử chỉ quy định hai hình thức vận động bầu cử. Thứ nhất là qua Hội nghị cử tri do UB MTTQ phối hợp với UBND các cấp tổ chức. Qua đó, những người ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động trước đông đảo cử tri nơi mình ứng cử. Thứ hai là qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ yếu những người ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng của địa phương họ ứng cử.
Một việc làm luật không quy định nhưng nếu các địa phương làm được tôi nghĩ rất cần khuyến khích như MTTQ TP. Đà Nẵng đã làm với ĐBQH khóa XIII hiện nay. Họ yêu cầu những người ứng cử ĐBQH sau khi trúng cử phải hoàn thiện và nộp chương trình hành động về MTTQ. MTTQ TP đóng thành tập để theo dõi, giám sát suốt khóa hoạt động của họ. Điều đó thể hiện ý thức của đại biểu và là cơ sở để MTTQ thay mặt cử tri giám sát đại biểu.
“Luật lần này cũng có những quy định rất khắt khe về việc cấm dùng tiền bạc, phương tiện vật chất để dụ dỗ, cưỡng ép mua chuộc cử tri trong vận động bầu cử. MTTQ, các đoàn thể và nhân dân sẽ giám sát chặt chẽ việc này” - ông Pha cho biết thêm.
M. Châu (Thương hiệu và Công luận)