Khu Du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc xã Phú Lâm là một trong ba xã của huyện Yên Sơn đang được điều chỉnh địa giới hành chính vào thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công
Hiện nay, các địa phương này tích cực phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh, thành phố Tuyên Quang tiến hành điều tra, rà soát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng phục vụ cho việc xây dựng đề án, đồng thời đã hoàn thành niêm yết danh sách số hộ, số nhân khẩu tại các thôn để phục vụ lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thành phố Tuyên Quang.
Theo đồng chí Trần Kim Chung, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Bình, trước đó thị trấn cũng đã tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương của tỉnh; các đoàn thể, các tổ nhân dân đã lồng ghép trong các cuộc họp phổ biến nội dung này cho người dân tham gia ý kiến để thị trấn tổng hợp và tham gia ý kiến cùng với các cấp, ngành trong việc xây dựng dự thảo đề án. Thị trấn Tân Bình tương đối phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại, người lao động có việc làm ổn định. Tuy nhiên, diện tích, dân số của thị trấn không đảm bảo theo quy định. Vì có điều kiện phát triển, tiếp giáp xã Đội Cấn, trong khi đó thị trấn Tân Bình có quy mô nhỏ, do đó sáp nhập điều chỉnh để thành lập phường Tân Bình là hoàn toàn phù hợp.
Ông Dương Minh Tính, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Tân Bình cho biết: “Chủ trương thực hiện mở rộng địa giới đơn vị hành chính thành phố Tuyên Quang, trong đó thị trấn sẽ sáp nhập vào thành phố sẽ là điều kiện thuận lợi để thị trấn phát triển hơn nữa về hạ tầng, dịch vụ thương mại, xây dựng các thiết chế văn hóa”.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng của xã Kim Phú, xã Phú Lâm, thị trấn Tân Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch được giao; tốc độ đô thị hóa cao, nhiều dự án, khu dân cư được đầu tư xây dựng; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, sau khi về thành phố quản lý, có nhiều vấn đề mới cần giải quyết như: Quản lý thương mại, dịch vụ; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư theo mô hình đô thị; phòng chống các tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự công cộng, bảo vệ môi trường.
Theo đồng chí Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú, cùng với việc cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu về tình hình kinh tế - xã hội của xã để thành phố hoàn thiện dự thảo đề án; thông báo tới nhân dân về phương án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố, xã cũng đã xây dựng phương án sáp nhập các thôn theo tinh thần Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6; hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố theo Thông tư số 09 của Bộ Nội vụ. Xã dự kiến sẽ sáp nhập các thôn 7 và 8, 21 và 22, 25 và 26, khi đó xã từ 26 thôn còn 23 thôn. Việc sáp nhập các thôn cũng là một trong những điều kiện để xã đảm bảo tiêu chí về dân số và diện tích theo quy định. Từ đó tranh thủ nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, các hợp tác xã, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn được hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế bền vững.
Việc thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các phường thuộc thành phố góp phần tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng đủ tiêu chí để được công nhận đô thị loại II vào năm 2020.
Theo báo Tuyên Quang