Đầu tư xây dựng các công trình giao thông kết nối với các địa phương lân cận
Dịch vụ logistics là việc thực hiện một hoặc nhiều công việc gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác... theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đây là cơ hội để các địa phương tăng tốc phát triển kinh tế. Tranh thủ điều kiện này, Bắc Giang thành lập Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế, khai thác hiệu quả lợi thế của các FTA đã có hiệu lực, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đến các DN, hợp tác xã. FTA không chỉ giúp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu mà còn góp phần thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bắc Giang, qua đó tạo nguồn “cầu” lớn cho hoạt động logistics.
Hiện Bắc Giang có 6 khu công nghiệp (KCN) và 36 cụm công nghiệp cơ bản đã được lấp đầy. Trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư phát triển 29 KCN với diện tích 7.000 ha, 63 cụm công nghiệp với diện tích 2.997 ha.
Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó tạo thuận lợi cho ngành logistics phát triển. Bắc Giang đang đầu tư mạnh mẽ cho các công trình giao thông kết nối với các địa phương lân cận, đặc biệt là gắn kết với Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, sự lớn mạnh của các DN trên địa bàn tỉnh, kết hợp với sự có mặt của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là hệ thống các FTA đã giúp hoạt động thương mại quốc tế của Bắc Giang phát triển rất mạnh, kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục gia tăng, thị trường được mở rộng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 52,4 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2022 và đứng thứ 6 cả nước. Bắc Giang cũng là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện nay, tỉnh có vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, với nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Một số mặt hàng đã xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Úc, Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, Bắc Giang có vị trí nằm trên hành lang kinh tế lớn nhất vùng: Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng và nằm trong Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội (cách Thủ đô, sân bay Nội Bài 50 km); là cửa ngõ “kép” - cách biên giới Việt - Trung (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - tỉnh Lạng Sơn) 110 km, cách Cảng biển quốc tế Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 140 km cộng với các hoạt động xuất, nhập khẩu, giao thương hàng hóa tại địa phương ngày càng sôi động là những điều kiện thuận lợi giúp tỉnh phát triển dịch vụ logistics.
Lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực
Thời gian qua, một số DN trên địa bàn tỉnh và địa phương lân cận đã có hoạt động dịch vụ song chủ yếu chỉ được một công đoạn của logistics. Theo ông Lương Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý các KCN tỉnh, thị trường logistics Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng chủ yếu vẫn đóng vai trò là “vệ tinh” cho các công ty logistics nước ngoài, chỉ đảm nhận một số dịch vụ đơn lẻ như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi. Nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp để đáp ứng cho ngành logistics.
Trong bối cảnh hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển, thương mại nội địa mở rộng, nhu cầu dịch vụ logistics càng gia tăng thì đây là một thách thức lớn cho phát triển logistics. Đại diện Công ty TNHH Tiếp Vận DASUKA (Bắc Ninh) thông tin, đơn vị định hướng phát triển dịch vụ logistics song hiện Công ty mới đảm nhiệm được dịch vụ mở tờ khai hải quan và vận chuyển hàng hóa cho DN FDI ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An, Thái Nguyên... Còn một số khâu khác như: Kho bãi, lưu kho, giải quyết toàn bộ chuỗi cung ứng thì DN chưa làm được.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành logistics, tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Quan tâm hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường dịch vụ logistics.
Bắc Giang đã phê duyệt dự án hạ tầng, kho bãi trung tâm logistics quốc tế TP Bắc Giang trên quy mô hơn 66 ha. Tuy nhiên, đến nay dự án chậm tiến độ. Ngày 11/3/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản điều chỉnh dự án này về một số điểm như: Nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư (điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư) và tiến độ thực hiện dự án.
Dự án gồm các hạng mục như: Kho bãi và lưu giữ hàng hóa; dịch vụ dừng nghỉ ngắn ngày; hoạt động dịch vụ hỗ trợ thủ tục thanh toán, xuất nhập khẩu, hải quan. Theo đó, từ tháng 11/2023 đến tháng 12/2025 hoàn thành thủ tục về đất đai, xây dựng và xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch chi tiết được duyệt; từ tháng 1/2026 đến tháng 1/2027 xây dựng các hạng mục còn lại của dự án và tháng 2/2027 hoàn thành, đưa dự án vào khai thác.
Được biết, để khai thác ga đường sắt liên vận quốc tế Kép (Lạng Giang), Chi cục Hải quan quản lý các KCN tỉnh đã thành lập đội nghiệp vụ hải quan tại đây; đồng thời tỉnh cũng quy hoạch dự án cảng cạn, khu logistics tại xã Hương Sơn (Lạng Giang). Đã có một số nhà đầu tư khảo sát tại khu vực này. Cùng đó, Bắc Giang quy hoạch 8 dự án khu dịch vụ tổng hợp, logistics ở thị xã Việt Yên, các huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang.
Bắc Giang đã có quy hoạch, quan tâm dành quỹ đất cho dự án logistics. Theo các chuyên gia, để phát triển được dịch vụ này cần lựa chọn thu hút nhà đầu tư có tiềm lực, sớm đưa các dự án vào khai thác; chính quyền tập trung giải phóng mặt bằng, đồng hành, tháo gỡ các vấn đề nảy sinh cho nhà đầu tư.
Bá Đoàn