Điểm giới thiệu và bán sản phẩm do Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam bảo trợ tại thành phố Bắc Ninh.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm do Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam bảo trợ tại thành phố Bắc Ninh.

Ông Vũ Huy Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh cho biết, trên thị trường hiện nay, rất nhiều sản phẩm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thậm chí đặc sản, nông sản… có xuất xứ không rõ ràng, nhái các nhãn hiệu chính hãng chào bán công khai trên các nền tảng thương mại điện tử. Một số doanh nghiệp bước đầu quan tâm đến việc bảo vệ sản phẩm của mình nhưng chủ yếu sử dụng tem chống hàng giả tự thiết kế và in hàng loạt mang tính chất phân biệt hàng hóa là chính. Về cơ bản, các tem này ít có giá trị pháp lý, không đủ khả năng bảo hộ sản phẩm khi xảy ra tranh chấp.

Là đơn vị chuyên môn đi tiên phong trong lĩnh vực mới này, Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh tích cực nghiên cứu, tham vấn và cung cấp các dịch vụ ứng dụng công nghệ số trong bảo hộ sản phẩm.  Anh Tùng cho biết: “Chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu doanh nghiệp và người dân biết cách áp dụng công nghệ như mã vạch, mã QR, blockchain (chuỗi khối) để giám sát nguồn gốc và chứng thực sản phẩm...”. Cụ thể, đơn vị đã cung ứng 2 công nghệ tem nhãn hiện đại nhất thời điểm này là tem gắn chip (RFID) - cho phép một thiết bị đọc thông tin chứa trong thẻ chip không tiếp xúc ở khoảng cách xa và tem QR code biến đổi - cho phép kết nối với hệ thống thông tin điện tử, chỉnh sửa các thông tin trong mã, theo dõi, thống kê quá trình quét mã, định danh thông tin chi tiết người quét mã, thu thập, phân tích dữ liệu người quét mã… Ngoài ra là các giải pháp giám định, giám sát, để phân biệt hàng thật, hàng giả; hỗ trợ đăng ký bản quyền tác giả tác phẩm, sở hữu trí tuệ...

Cùng với đó, Trung tâm cũng phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực quản lý, thực hành về chống hàng giả cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đi vào hoạt động từ năm 2022, đến nay, Trung tâm tư vấn cho 62 Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại và hộ cá thể về các tiêu chí đăng ký sản phẩm OCOP; tư vấn cho 35 đơn vị về việc xây dựng bộ nhận diện và bảo trợ thương hiệu; ký kết cung cấp giải pháp chống giả với 16 doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh về hàng giả, hàng nhái do người tiêu dùng cung cấp; thành lập 3 Điểm giới thiệu và bán các sản phẩm do Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam bảo trợ tại thành phố Bắc Ninh, huyện Yên Phong và huyện Tiên Du.

Chị Nguyễn Thu Vân, đại lý điểm bán tại số 93 đường Hồ Ngọc Lân, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh phấn khởi: “Đại lý của tôi có hàng trăm mặt hàng OCOP tiêu dùng của các vùng miền, các HTX trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc kết nối các nhà cung cấp có quy tín, chúng tôi được Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam bảo trợ về mặt pháp lý cho nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, với tem, nhãn rõ ràng, dễ dàng truy xuất nên tăng khả năng thuyết phục khách hàng. Do đó, dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2024, chúng tôi có lượng khách hàng ổn định”.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc ứng dụng các giải pháp hiện đại để chống hàng giả, hàng nhái là quá trình tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh còn khá gian nan. Nhận thức về việc bảo hộ sản phẩm, nâng cao giá trị pháp lý của một số cơ sở còn hạn chế. Một số giải pháp, sản phẩm công nghệ có giá thành cao, đòi hỏi hạ tầng công nghệ đi kèm đồng bộ mà không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng đầu tư.

Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh tích cực tư vấn, giới thiệu các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhất về chống hàng giả với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân. Tiếp tục gắn hoạt động này với các chương trình về phát triển sản phẩm OCOP, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu đặc sản của địa phương… Hỗ trợ, kết nối tiêu thụ hàng hóa thông qua kênh trực tiếp và trực tuyến, xúc tiến thương mại với các nước. Cùng với đó, trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ vào sân chơi toàn cầu, theo quan điểm của anh Tùng, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm phù hợp, từ đó, góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái.

Bá Đoàn