Mô hình trồng dưa đạt chuẩn VietGAP của Công ty TNHH xuất khẩu nông sản Hải Phong (Ảnh: bacninh.gov.vn)
Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng mô hình điểm các chuỗi sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, gắn kết với tiêu thụ sản phẩm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh.
Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2020 - 2022), xây dựng 3 mô hình sản xuất ban đầu đảm bảo an toàn thực phẩm là một mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh: 1 mô hình rau, quả theo hướng VietGAP; 1 mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP, 1 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP. Dựa trên kết quả, sản phẩm các mô hình triển khai xác nhận 11 điểm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bao gồm; 5 chuỗi rau, quả; 3 chuỗi lợn; 3 chuỗi cá; các chuỗi áp dụng quy trình kỹ thuật tiến tiến, được kiểm soát an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh; được chứng nhận VietGAP hoặc VietGAHP.
Giai đoạn 2 (năm 2022 - 2025), tiếp tục duy trì củng cố, nâng cao các mục tiêu, hoạt động đề án đã đạt được của năm 2020 - 2022. Triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả các nội dung phát sinh, phấn đấu 100% sản lượng nông, lâm, thủy sản chủ lực, sản xuất và kinh doanh tại tỉnh được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Đề án đưa ra các nhóm giải pháp nhằm triển khai thực hiện đạt mục tiêu trên. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp sẽ ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; rà soát xây dựng danh mục các ngành hàng, sản phẩm chủ lực cần khuyến khích ưu tiên hỗ trợ liên kết; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho người dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản theo chuỗi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc sản xuất thực phẩm không an toàn. Tổ chức đánh giá, phân tích hiện trạng điều kiện an toàn thực phẩm và hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng.
Đặc biệt là hỗ trợ đào tạo tập huấn, kinh phí mua giống, thức ăn, thiết bị, vật tư nông nghiệp, kinh phí chứng nhận VietGAP, VietGAHP… cho các cơ sở sản xuất ban đầu tham gia mô hình; đầu tư và hỗ trợ sản xuất các cơ sở kinh doanh tham gia xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn như: hỗ trợ mua thiết bị bảo quản, dán tem truy suất nguồn gốc. Đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với hệ thống các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, các siêu thị, nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, các tổ chức và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
UBND tỉnh giao Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hiện Đề án; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.
PV