Theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ thì Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích 27.108 ha. Trong đó Khu Cảng Chân Mây nằm ở mũi Chân Mây Đông có quy mô 370 ha bao gồm cảng tổng hợp và cảng riêng của khu phi thuế quan.
Tuy nhiên đến năm 2021, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QĐ 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021) thì Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I. Trong đó, Cảng Chân Mây đã được điều chỉnh mở rộng lên 702ha, là trung tâm logistics; đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp dịch vụ cảng nước sâu, phân phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là động lực quan trọng thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và khu vực lân cận; kết hợp tiếp chuyển hàng cho nước bạn Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan. Điều đó chứng minh Cảng Chân Mây không còn là “ngôi sao cô đơn” như nhiều chuyên gia về biển đã nói do chưa thể phát huy tối đa lợi thế và chưa góp phần tạo nên chuỗi giá trị trong hệ thống cảng biển miền Trung.
Ông Huỳnh Văn Toàn, TGĐ Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết: Cảng Chân Mây là cảng biển nước sâu tự nhiên, còn nhiều tiềm năng để có thể mở rộng, phát triển thành một cảng biển tầm cỡ và hiện đại. Đến nay, Cảng Chân Mây đã đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m. Lượng hàng hoá qua cảng trước đây bình quân trên dưới 3,5 triệu tấn/năm, năm 2022 lượng hàng thông qua đạt khoảng 4-4,5 triệu tấn. Dự kiến đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây sẽ đạt 20-25 triệu tấn/năm.
Bộ GTVT cũng đã có quyết định cho phép, giai đoạn đến năm 2030 cảng Chân Mây được bổ sung thêm 3 bến (bến số 4, số 5, số 6) trong đó bến 4, 5 tổng chiều dài 540 m khai thác hàng container, cho cỡ tàu đến 70.000 tấn.
Về du lịch, Cảng Chân Mây được đánh giá là một trong số ít cảng đón khách du lịch bằng đường biển nhiều nhất khu vực miền Trung. Trao đổi với phóng viên Thương hiệu & Công luận, Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, đã có nhiều hãng tàu biển lớn, du lịch hạng sang trên thế giới như: Tập đoàn Star Cruises, Skysea Cruise Line, Princess Cruises, Oceania Cruises, Costa Crociere, Queen Mary 2 … đã chọn Cảng Chân Mây là điểm đến; bình quân mỗi năm cảng Chân Mây đón trên dưới 100.000 lượt khách quốc tế bằng đường biển đến Huế tham quan, du lịch.
Cảng Chân Mây đúng là rất thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ để Chân Mây cất cánh. Tuy nhiên nhìn nhận lại chúng ta vẫn thấy Cảng Chân Mây đang thiếu nhiều thứ, cần phải tiếp tục thay đổi, đầu tư mới đáp ứng được kỳ vọng, mới xứng đáng vị thế là Cảng biển Quốc gia loại 1 ở miền Trung.
Tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container vào cảng Chân Mây" tháng 10/2022 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, nhiều chuyên gia hàng hải, Hãng tàu biển, doanh nghiệp XNK đã hiến kế với tỉnh về Cảng Chân Mây. Họ cho rằng bên cạnh cầu cảng, kho bãi, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết bị xếp dỡ… phục vụ tàu container thì không thể thiếu các dịch vụ container đi kèm; cần mở line định tuyến để rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí Logistics, tiết kiệm được thời gian. Đồng thời phải có đơn vị làm dịch vụ logistics tại cảng; không thể để hệ thống kho, bãi, bãi chứa hàng cách quá xa cầu tàu làm giảm năng suất làm hàng, gia tăng chi phí vận chuyển, giảm hiệu quả kinh tế cho cảng và chủ hàng.
Thậm chí, Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Western Pacific Group hiến kế, ông cho rằng thực tế hiện nay, sức hút đầu tư cảng biển nước sâu tại khu vực miền Trung là rất lớn trong đó có cảng biển Thừa Thiên Huế. Vì vậy, cần mở rộng quỹ đất khu công nghiệp phía hậu cảng Chân Mây để xây dựng mô hình LIC - cụm liên kết ngành (hệ sinh thái phức hợp, đầu tư triển khai các dự án đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng logistics và khu, cụm công nghiệp). Thậm chí có người đề nghị một số cảng biển miền Trung trong vùng, trong đó có cảng Chân Mây nên hiệp thương, sáp nhập hoặc liên kết nhằm tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng của nhau, tạo thành cụm cảng hoặc thương cảng lớn. Đạt được điều đó, Cảng Chân Mây sẽ nâng cao vị thế và thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
Về du lịch, cầu cảng số 1 của Cảng Chân Mây tuy được Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận tiếp nhận tàu du lịch biển trọng tải đến 225.282 GT nhưng để đáp ứng tiêu chuẩn, bến số 1 phải được nâng cấp, tăng cường thêm các trụ neo, nạo vét khu nước, hệ thống đệm va đủ tiêu chuẩn và khả năng tiếp nhận các tàu du lịch quốc tế cỡ lớn. Thấy được tiềm năng của Cảng Chân Mây, hãng tàu biển Royal Caribbean đã quyết định ứng vốn đầu tư cầu cảng này.
Ông Đinh Đăng Quang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế thì đề nghị Cảng Chân Mây cần có vị trí đón khách du lịch riêng biệt; có một nhà ga hành khách với quy mô lớn và hiện đại; đầu tư khu trưng bày, bán các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm, đặc sản Huế đa dạng, phong phú….
Vâng, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận hạn chế còn nhiều nhưng làm sao được khi Cảng Chân Mây mới bước vào tuổi 20, trong khi các Cảng biển quốc tế khác có số tuổi cả trăm năm, thậm chí nhiều thế kỷ.
Tôi cũng tin rằng tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương đang còn khó khăn nhưng khát vọng không hề nhỏ. Như ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu "Để phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới, Tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu".
Chắc chắn với định hướng kinh tế biển, đầm phá thì Cảng Chân Mây sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Vì Cảng Chân Mây đang ở độ tuổi 20 đầy năng lượng, ý chí, khát vọng. Hơn nữa đây không chỉ là cảng biển mà là Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, một khu kinh tế động lực, góp phần quan trọng đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
Trần Minh Tích