LTS: Theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương thì, Chính phủ giao cho lực lượng quản lý thị trường nhiều nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm lớn trong thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.
Đây là vinh dự lớn lao mà Chính phủ giao phó cho lực lượng quản lý thị trường, vậy thì thời gian qua, cụ thể từ năm 2020 đến 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã nói, làm, hành động như thế nào với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chính phủ giao? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Khó khăn, hạn chế, tồn tại, vướng mắc và đề xuất
Báo cáo năm 2020 của Tổng cục Quản lý thị trường nêu nhận diện khó khăn gồm: Hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thường được các đối tượng làm ăn bất chính tập kết ở các địa bàn giáp ranh… nên việc kiểm tra, kiểm soát cần nhiều nhân lực và mất nhiều thời gian, kinh phí cho việc di chuyển và thẩm tra, xác minh thông tin. Đối tượng bố trí kho hàng, nơi sản xuất chung với nơi ở gây khó khăn cho hoạt động khám nơi cất giữ tang vật… Một số chủ thể quyền không hợp tác hoặc hợp tác thiếu trách nhiệm khi được cơ quan quản lý thị trường yêu cầu giám định và xác nhận hàng hóa. Người tiêu dùng mua phải hàng hóa kém chất lượng không tố cáo với cơ quan chức năng do thói quen “thuận mua, vừa bán…”. Máy móc, phương tiện phục vụ công tác của lực lượng còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới. Công tác theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu đề xuất xử lý các vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường còn bị động do năng lực và trình độ chuyên môn, chưa chấp hành đúng quy định, dẫn đến sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, xử lý. Lực lượng QLTT còn mỏng, phải tổ chức quản lý số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao phó, nguồn lực con người, vật chất hạn chế; hạ tầng thông tin chưa đáp ứng được với quy mô của lực lượng…
Năm 2021, Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường ghi tồn tại, hạn chế như sau: Nhận thức, tư duy còn chưa đồng bộ; Chất lượng đội ngũ công chức còn hạn chế; Công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn chưa chặt chẽ, nghiêm túc; Lực lượng mỏng, địa bàn quản lý rộng, phức tạp; Hệ thống pháp luật còn trùng lặp, chưa đồng bộ.
Năm 2022 tổng kết rằng: Công tác phối hợp chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp; Một số địa bàn chưa được kiểm soát chặt chẽ thị trường; Quá trình thực thi công vụ, một số cán bộ vi phạm pháp luật; Xây dựng kế hoạch kiểm tra chưa theo sát thông tin, tình hình nổi cộm dẫn đến xác định nội dung kiểm tra chưa đúng, chưa trúng; Công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nội bộ chưa đáp ứng được yêu cầu công tác; 23/63 thủ trưởng đơn vị không hoàn thành cam kết. Năng lực thực thi công vụ của cán bộ chưa đồng đều; Công tác quản lý cơ sở kinh doanh tại địa bàn chưa tốt, chưa được cập nhật dữ liệu liên tục; Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, nhiều lĩnh vực.
Về đề xuất, năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất, kiến nghị 03 nội dung gồm: Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật; Công tác kiểm tra, phối hợp; Biên chế, nguồn lực. Năm 2021, không đưa vào đề xuất, kiến nghị mà đưa thẳng vào tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của lực lượng. Năm 2020 có 03 đề xuất kiến nghị với Chính phủ là rà soát, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện Luật. Với Ban Chỉ đạo 389 thì kiến nghị công tác phối hợp với bộ, ngành, địa phương, hiệp hội được toàn diện hơn trong theo dõi, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Kiến nghị với Bộ Tài chính về hướng dẫn nội dung chi và mức chi để thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu… Kiến nghị bộ, ngành, địa phương gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ (hướng dẫn quy trình xác định chất lượng tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để lập phương án xử lý; Việc ghi nhãn hàng hóa là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được bán ra thị trường); Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, địa phương hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, chế tài xử phạt, hạ tầng công nghệ thông tin và là đầu mối điều phối việc cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lậu thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Bộ Tài chính ứng dụng triệt để hóa đơn điện tử để có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa được bày bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc website thương mại điện tử. Chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở ngành tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa…
Báo cáo giống nhau, chuyện nói và làm
Đó là tất cả những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế mà Tổng cục Quản lý thị trường nhận diện trong Báo cáo cuối năm 2020, 2021, 2022. Đọc kỹ thì chúng ta thấy, việc Tổng cục Quản lý nhận diện những tồn tại, vướng mắc, hạn chế, khó khăn và đề xuất rất chi tiết, rõ ràng, từng mục từ: Hạn chế về nhân lực, trình độ chuyên môn; Khó khăn quản lý địa bàn rộng, nhiều doanh nghiệp; Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng thực tế hoạt động chuyên môm; Đề xuất là sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, hiệp hội… cần thực chất hơn; Hoàn thiện cơ sở pháp lý về hàng hóa, cơ chế chế tài… Trong 03 năm liên tiếp chúng tôi dẫn nguồn trên đều có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, đề xuất chẳng khác nhau, nó giống nhau về bản chất chỉ khác nhau ở trình bày và câu chữ? Vậy, sao liên tục có những tồn tại hạn chế, vướng mắc từ năm này qua năm khác, trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu để cứ tồn tại hạn chế như vậy?
Trong khó khăn, vướng mắc, tồn tại, lực lượng quản lý thị trường nêu ra rằng, “địa phương giao phó nhiều việc”, vậy là những việc gì và việc đó có nằm trong nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của ngành không? Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được thì trước đây, lực lượng quản lý thị trường trực thuộc chính quyền địa phương quản lý về nhân sự, hoạt động chuyên môn. Nhưng, sau đó, lực lượng quản lý đã trực thuộc ngành dọc, bổ nhiệm nhân sự và hoạt động chuyên môn theo ngành dọc quản lý, chỉ đạo. Lực lượng quản lý thị trường hoạt động tại địa phương thì phải có trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn gắn với địa phương là đúng.
Báo cáo nêu khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong các đề xuất, kiến nghị của chính các Báo cáo đó và kiến nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường trong kiểm soát, kiểm tra hàng hóa thị trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh… “Chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa…”
Tiếp nữa, trong Báo cáo nào cũng nêu, lực lượng quản lý thị trường phải quản lý nhiều doanh nghiệp, nhiều địa bàn, nhiều loại hàng hóa trên thị trường; nhân sự ít; hạ tầng cơ sở phục vụ chuyên môn chưa đáp ứng được với thực tế… Vấn đề đặt ra là, khi Chính phủ giao phó cho lực lượng quản lý những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cơ cấu tổ chức đều ghi rõ trong Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg, ngày 10/08/2018…, người đứng đầu lực lượng chắc chắn phải nghiên cứu kỹ Quyết định 34, và phải chịu trách nhiệm về việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ; phải làm cho tốt chứ, sao lại cứ để vướng mắc, tồn tại, hạn chế, đề xuất từ năm này qua năm khác như vậy?
Với những “thống kê” trên, chúng tôi hy vọng, năm 2023, những vướng mắc, tồn tại, hạn chế sẽ khác, đề xuất cũng mang tính cụ thể, hướng đến làm trong sạch, chuẩn hóa thị trường hàng hóa để hàng hóa Việt Nam hội nhập tự tin, dễ dàng, thông suốt, tự chủ, không bị trả lại vì những lý do “xưa như cũ” nữa.
Bài 3: Nhận diện lý do, hành vi cán bộ quản lý thị trường vi phạm pháp luật
Bài viết được thực hiện bởi phóng viên Ban Điện tử
Ảnh: Minh An - Lê Pháp