Bài viết Câu chuyện nâng cao nhận thức và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính?Bài 2: Người tiêu dùng cảnh giác "bẫy" khi vay tiêu dùng từ công ty tài chínhBài 3: Trước ‘ma trận’ công ty tài chính "tung chiêu" với người tiêu dùng, chuyên gia nói gì? nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của độc giả.

Qua 03 bài viết toà soạn đăng tải, phần lớn độc giả đã hiểu được các các công ty tài chính, công ty cho vay tiêu dùng không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều ‘núp’ dưới bỏ bọc ‘công ty tài chính’ hoạt động theo kiểu ‘tín dụng đen’. Mức lãi khoản vay các công ty này đang áp dụng khoảng từ 60-80%/năm. Người tiêu dùng đã hiểu được những bất cập khi vay tiêu dùng tại các công ty tài chính như: Phát sinh tranh chấp về các nội dung hợp đồng cho vay tín dụng như lãi suất, phí, thời hạn trả nợ hoặc để lộ thông tin người tiêu dùng, bán nợ cho đơn vị thứ ba là công ty thu hồi nợ, đòi nợ kiểu đe doạ, quấy rối, ép buộc thậm chí điện thoại cả người thân, người quen để nhắc chuyện thu hồi nợ của khách hàng…

Tuy nhiên, trong phản hồi, nhiều độc giả cũng băn khoăn về phương thức hoạt động, mức lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép có khác với những CTTC không được NHNN cấp phép không; khi vay tiêu dùng tại CTTC được NHNN cấp phép có phải ‘gánh’ những khoản phí khó hiểu khác như: Bảo hiểm, phí tư vấn quản lý, phí quản lý số tiền vay,… và có bắt buộc mua bảo hiểm mới được giải ngân hay không? Nhiều độc giả hỏi rằng, các CTTC được NHNN cấp phép có bị lộ thông tin người tiêu dùng hay không?

Đáng nói, thời gian qua nở rộ một số công ty tài chính, ngân hàng bán nợ cho đơn vị thứ ba là công ty thu hồi nợ, cụ thể là Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam, Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam, Ngân hàng Phương Đông (OCB) hoặc đòi nợ kiểu đe doạ, điện thoại cả người thân, người quen để nhắc chuyện thu hồi nợ của khách hàng… gặp phải những trường hợp như thế thì người tiêu dùng phải làm như thế nào? Vậy, người tiêu dùng, khách hàng khiếu kiện đến đâu để đòi lại công bằng?

Rất nhiều những câu hỏi quả thực bức xúc và nhức nhối. Thương hiệu & Công luận sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin cần thiết, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang” để độc giả biết cách tự bảo vệ mình và tiến tới trở thành người tiêu dùng thông thái.

Thấy gì từ những sản phẩm của thương hiệu Mirae Asset?

Ngày 13/10/2017, NHNN đã có Giấy phép số 61/GP-NHNN về việc thành lập và hoạt động Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam, có trụ sở chính tại Lầu 1, Sai Gon Royal, số 91 đường Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Công ty này được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập, có chức năng "cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng". Thời điểm năm 2017, vốn điều lệ của Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) là 700 tỷ đồng do Công ty TNHH Mirae Asset sở hữu 100% vốn điều lệ.

Thời hạn hoạt động của Công ty tài chính TNHH một thành viên Mirae Asset Việt Nam là 50 năm kể từ ngày 11/11/2010. Trải qua hơn 10 năm xây dựng, phát triển, sản phẩm vay tiêu dùng của Mirae Asset đã trở thành một trong những đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư, quản lý tài sản…, với quy mô trải dài từ Bắc vào Nam; tạo được thương hiệu đối với người tiêu dùng, khách hàng.

Mặc dù Mirae Asset đã nỗ lực không ngừng để hoàn thiện các sản phẩm vay tiêu dùng. Những bước đi và phát triển của Mirae Asset đã vinh dự được Tạp chí Global Brands Magazine và Global Banking & Finance Review – tạp chí quốc tế trụ sở tại London (Vương quốc Anh) ghi nhận, thế nhưng trong hoạt động kinh doanh, cho vay tiêu dùng của thương hiệu này lại tồn tại nhiều vấn đề cần được khắc phục.

Với vai là người tiêu dùng, khách hàng Phóng viên Thương hiệu & Công luận đã có những trải nghiệm trực tiếp, tìm hiểu và ghi nhận thực tế về hoạt động cho vay tiêu dùng tại thương hiệu Mirae Asset - thuộc Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam).

Theo website: https://mafc.com.vn/ - thuộc Công ty tài chính Mirae Asset, người tiêu dùng có thể dễ dàng đăng ký khoản vay bằng cách nhập thông tin như: Họ và tên, SĐT, CMND, thu nhập… và gửi yêu cầu. Khoảng 10 phút sau, Phóng viên nhận được cuộc gọi từ nhân viên tư vấn của Mirae Asset có số điện thoại 0975***794 để hỗ trợ khoản vay.

dddd
Cho vay nhanh chóng và đơn giản, nhưng mức lãi khoản vay lên tới 55%.

“Hiện tại, em có thể hỗ trợ vay nhanh cho chị qua bảo hiểm y tế, nhưng bảo hiểm y tế phải do cơ quan, công ty đóng còn nếu chị tự đóng là không vay được. Vay theo bảo hiểm y tế hỗ trợ tối đa khoản vay là 25 triệu, thấp nhất là 15 triệu”, nhân viên của Mirae Asset tư vấn cho phóng viên.

Phóng viên đã đề nghị vay 20 triệu đồng, thời hạn vay là 12 tháng thì nhân viên tư vấn báo mỗi tháng phải trả cho Mirae Asset khoảng 2.368.000 đồng/tháng (bao gồm cả gốc và lãi), "đây là khoản vay cố định, chứ không phải theo dư nợ giảm dần" – nhân viên tư vấn nói. “Hiện tại bên em đang áp dụng mức lãi 55% năm. Nếu tất toán sớm thì sẽ chịu 5% phí phạt theo dư nợ còn lại. Khi đóng tiền, thì đóng đúng số tiền em báo và cộng thêm 12 nghìn đồng phí đóng tiền hộ”, nhân viên tư vấn nói.

Khi phóng viên thắc mắc 12 nghìn đồng phí đóng tiền hộ là như thế nào thì nhân viên tư vấn nói rằng: “Chị đóng chỗ nào cũng vậy hết, họ sẽ lấy phí của chị. Cái phí đó sẽ là phí đóng tiền dùm chị, em ví dụ có nghĩa chị đóng tiền cho Bách Hoá Xanh thì Bách Hoá Xanh sẽ chuyển số tiền đó cho công ty em thì Bách Hoá Xanh sẽ lấy phí chuyển tiềm dùm chị, thì phí đó là 12 nghìn đồng”.

Khoản vay 20 triệu đồng, thời hạn 12 tháng, mỗi tháng đóng 2.368.000 đồng/tháng (bao gồm cả gốc và lãi), sau 12 tháng, tổng số tiền phải chi trả cả gốc và lãi khoảng 28,4 triệu đồng. Số tiền chênh lệch lên đến 8,4 triệu đồng. Chưa kể, mỗi tháng người tiêu dùng phải chịu thêm 12 nghìn đồng phí thu hộ nữa.

Tuy nhiên, khi Phóng viên hỏi, khoản vay này có bắt buộc đóng bảo hiểm không, trả chậm thì chịu phí như thế nào,… thì nhân viên tư vấn nói rằng: “Hiện tại hồ sơ trả chậm, phí này thì trên hợp đồng sẽ có chứ em không báo được…”. Như vậy, nếu người tiêu dùng muốn biết được các khoản phí trên thì bắt buộc phải ký hợp đồng mới biết được mình phải chịu những khoản phí gì khi vay tại Công ty Tài chính Mirae Asset.

Trong một diễn biến khác, trên báo Lao động có bài viết: Cho vay lãi gần 56%/năm, Công ty Tài chính Mirae Asset giàu cỡ nào được đăng tải vào ngày 10/08/2021, liên quan đến phản ánh của anh Phan Trần Nam (Hải Phòng) về việc anh và gia đình liên tục bị quấy rối, tấn công mạng và bị uy hiếp đòi nợ mặc dù anh không hề vay nợ. Khoản nợ mà anh Nam bị đòi là do nhân viên của anh vay Công ty TNHH Tài chính MTV Mirae Asset. Mức lãi suất cho vay mà Công ty Tài chính Mirae Asset đưa ra lên tới 55,76%/năm. Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định đây là mức lãi suất rất cao.

Một bản hợp đồng cho thấy, ngoài mức lãi suất quá cao, người vay còn phải trả thêm khoản phí bảo hiểm khác.
Một bản hợp đồng cho thấy, ngoài mức lãi khoản vay cao, người vay, người tiêu dùng dịch vụ còn phải trả thêm khoản phí bảo hiểm khác.

Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh việc vay ngân hàng bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm. Đặc biệt giai đoạn gần cuối năm 2022, với lý do ngân hàng "cạn room tín dụng", nhiều khách vay cho biết bị ngân hàng ép vào đường cùng khi điều kiện cần để giải ngân là mua gói bảo hiểm tương đương 3-4% giá trị khoản vay. Thậm chí, một số khách hàng đáo hạn khoản vay cũng bị yêu cầu mua kèm bảo hiểm mới được giải ngân.

Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính chỉ đạo lập đường dây nóng, thanh tra hãng bảo hiểm để không tiếp tục xảy ra tình trạng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay. Chỉ đạo này được Bộ Tài chính đưa ra với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính vào ngày 20/02/2023.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiều lần chỉ đạo tăng cường thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới nhằm hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm và đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn xảy ra tình trạng nhân viên một số ngân hàng tiếp tục giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn. Do đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu "thanh tra các hãng bảo hiểm, gồm cả đại lý và môi giới, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay vốn hoặc giới thiệu người gửi tiền đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái quy định".

Cần khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính

Không chỉ cho vay với mức lãi khoản vay cao, thương hiệu Mirae Asset trong thời gian qua đã liên tục vướng phải không ít những "lùm xùm" liên quan đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu về hoạt động kinh doanh và cho vay.

Vào ngày ngày 06/03/2023, theo tài liệu điều tra của Cục Cảnh sát Hình sự (C02 - Bộ Công an) đơn vị đã triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động đòi nợ bằng các thủ đoạn cực đoan, đòi nợ thuê núp bóng nhiều công ty khác nhau. “Nhóm công ty đòi nợ của Trần Hồng Tiến (SN 1974, trú tại quận 1, TP. HCM) điều hành mua các khoản nợ khó đòi khách hàng từ Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam và một số tổ chức tín dụng khác với giá bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ”, Cục Cảnh sát Hình sự phân tích.

Theo C02, sau khi có các thông tin khoản nợ từ Công ty Mirae Asset, bộ phận vận hành cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống của công ty. Từ đây, nhân viên dùng nhiều số điện thoại liên tục khủng bố, chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách hàng (dù họ không liên quan đến khoản vay). Bộ phận đòi nợ còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân kèm hình ảnh đồi trụy, gắn họ với các thông tin sai sự thật. Sau đó, phía đòi nợ dùng tài khoản ảo đăng tải, bình luận trên mạng xã hội, nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng trả tiền.

Nhiều người dân bức xúc vì bị các đối tượng cắt ghép hình ảnh, tung lên mạng để gây sức ép.
Người tiêu dùng/khách hàng bức xúc vì bị các đối tượng cắt ghép hình ảnh, tung lên mạng để gây sức ép. (Ảnh minh hoạ)

Theo Điều 6, Luật Đầu tư năm 2020 và quy định về việc các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký trước ngày 01/01/2021 phải thanh lý, thì mọi tổ chức núp bóng để mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên đòi nợ thuê là trái pháp luật.

Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an)

Liên quan đến vấn đề cho vay, đòi nợ, vào ngày 21/11/2022, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam đã khám xét xét trụ sở Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset có địa chỉ tầng 4, tòa nhà Panko Plaza thuộc phường An Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty không có người đại diện hợp pháp theo quy định và không xuất trình được giấy phép đăng ký địa điểm kinh doanh, công ty không gắn bảng hiệu. Qua xác minh, Công ty Mirae Asset chi nhánh Quảng Nam chỉ thực hiện hoạt động phát triển cho vay đối với cá nhân, hoạt động liên lạc, thu hồi nợ do Công ty Mirae Asset tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Ngoài ra, Tổ công tác phát hiện nhân viên Công ty Mirae Asset CN Quảng Nam có hành vi mua bán dữ liệu cá nhân của khoảng 150.000 người Việt Nam.

Đại diện Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP. HCM cho biết, khách hàng vay tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký hợp đồng vay với Công ty, lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng. Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. 

Đối với nhóm nợ từ 1 ngày - 89 ngày, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc nợ khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng; Nhóm nợ từ 90 ngày - 179 ngày, nhân viên cũng sử dụng phần mềm nhưng sẽ gọi điện, nhắn tin thường xuyên, liên tục nhắc nhở khách hàng hoặc người thân để tác động trả nợ; Nhóm nợ hơn 180 ngày (chia thành 2 nhóm A, B), nhân viên gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng, người thân, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay trả nợ.

Trấn áp tội phạm thu hồi nợ bằng hình thức manh động nhưng người dân vay vốn cần phải ý thức, trách nhiệm về việc vay thì phải trả nợ.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự TP. Hồ Chí Minh, ngoài tiền lương mỗi tháng, các nhân viên bộ phận thu hồi nợ còn được thêm 30% trên tổng số tiền đòi nợ được. “Đây là biến tướng của tín dụng đen trong thời đại công nghệ số”, lãnh đạo Phòng PC02 nhấn mạnh.

Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng Công an Quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm, các công ty tài chính được thực hiện hoạt động hợp pháp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, thủ đoạn của Công ty Tài chính Mirae Asset là bất hợp pháp.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các công ty tài chính tiêu dùng phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng đảm bảo an toàn hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất, cũng như giúp họ thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.

Qua những vấn đề nêu trên, thời gian tới cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn tạo điều kiện cho sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng, trong đó có công ty tài chính. Đồng thời cần có biện pháp xóa sổ những công ty, tổ chức “núp bóng” công ty tài chính chính thống để hoạt động trái pháp luật.

Theo dữ liệu của Lao Động, trong giai đạn từ năm 2016-2020, quy mô tài sản của Mirae Asset (MAFC) tăng hơn 10 lần, từ 787 tỷ đồng năm 2016 lên 8.912 tỷ đồng năm 2020. Cùng với đà tăng của tổng tài sản, nợ phải trả của MAFC qua các năm cũng tăng hơn 33 lần trong 05 năm, từ 229,5 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2016) lên mức 7.731 tỷ đồng khi kết thúc năm 2020. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2016-2020, từ 557,4 tỷ đồng lên 1.180 tỷ đồng. Nợ phải trả của MAFC tại ngày 31/12/2020 là 7.731 tỷ đồng (chiếm 86,7% tổng tài sản), chủ yếu là vay nợ các tổ chức tín dụng khác (5.769 tỷ đồng) và phát hành giấy tờ có giá (1.706 tỷ đồng).

Một số chỉ tiêu tài chính của MAFC giai đoạn 2016-2020.
Một số chỉ tiêu tài chính của MAFC giai đoạn 2016-2020.

Kết quả kinh doanh của MAFC tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, thu nhập lãi và các khoản tương tự (thu lãi cho vay; thu lãi từ nghiệp vụ mua bán nợ; thu khác từ hoạt động tín dụng theo quy định của pháp luật) của MAFC tăng 17 lần trong 05 năm gần đây: 136,5 tỷ (2016); 384,72 tỷ (2017), 856,56 tỷ đồng (2018) , 1.635 tỷ đồng (2019) và 2.312 tỷ (2020).

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ và hoạt động khác của MAFC cũng ghi nhận tăng trưởng đều đặn qua các năm. Sau khi trừ các chi phí và trích lập dự phòng rủi ro, thực hiện nghĩa vụ thuế, lãi ròng của MAFC tăng ấn tượng từ 22,36 tỷ đồng năm 2016 lên 150,81 tỷ đồng năm 2019. Năm 2020, mặc dù lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng của MAFC đạt 1.571 tỷ đồng, tăng gần 58% so với năm 2019 nhưng trích lập dự phòng rủi ro tăng 75,6% - ở mức 1.416 tỷ đồng nên lãi sau thuế của MAFC giảm 17,8% so với năm trước, đạt 123,91 tỷ đồng. 

Minh An

*Bài viết có sử dụng một số nguồn tư liệu của báo bạn