Hệ thống Nhà thuốc Phương Chính tiền thân là Nhà Thuốc Nguyễn Bá Trực được thành lập vào năm 1987 tại địa chỉ 169A Mai Hắc Đế sau đó được đổi tên thành Nhà Thuốc Phương Chính vào ngày 10/05/1988 và chọn đây là thành lập chính thức. Với hơn 35 năm kinh nghiệm hoạt động hiện Nhà Thuốc Phương Chính là nhà thuốc lâu đời nhất tại Hà Nội chuyên bán thuốc, thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, dụng cụ y tế chính hãng từ các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước và luôn được đông đảo bệnh nhân đánh giá là một trong ba nhà thuốc uy tín nhất tại Hà Nội.
Nhà thuốc Phương Chính là một cơ sơ kinh doanh uy tín, đáng tin cậy với người tiêu dùng, thế nhưng nhà thuốc này lại có dấu hiệu hoạt động không tuân thủ quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.
Người dân muốn mua thuốc nhanh chóng, không muốn phiền hà, mất thời gian đi khám bệnh để được bác sỹ kê đơn, người bán vì lợi nhuận doanh thu nên "đi tắt" một số quy định. Điều này dẫn đến việc mua bán thuốc không theo đơn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn TP. Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.
Ngày 04/04/2023, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã "mục sở thị" và trực tiếp mua thuốc tại hệ thống Nhà thuốc Phương Chính trên địa bàn TP. Hà Nội.
Nhân viên Nhà thuốc Phương Chính bán thuốc kê đơn không cần đơn
Phóng viên Thương hiệu & Công luận đến Nhà thuốc Phương Chính tại tòa Centuy Tower Timé City – TP. Hà Nội để được tư vấn mua thuốc. Khi Phóng viên hỏi mua loại thuốc Allopurinol 300 mg thì nhân viên bán hàng tại đây lập tức bán cho phóng viên và thu tiền, mà không cần hỏi người mua có đơn theo chỉ định của bác sỹ hay không. Đáng nói, trên bao bì của loại thuốc này đều ghi rõ khuyến cáo “thuốc bán theo đơn” (phải có đơn chỉ định từ bác sỹ, thì các cửa hàng thuốc mới được phép bán cho người mua).
Tìm hiểu được biết, thuốc Allopurinol được dùng để làm giảm acid uric huyết. Acid uric là sản phẩm giáng hóa các purin trong thức ăn. Acid uric tạo thành các tinh thể trong mô cơ thể gây viêm gút. Acid uric huyết tăng cũng có thể gây bệnh thận và sỏi thận. Allopurinol được dùng để ngăn ngừa sỏi thận do acid uric và ngăn ngừa cơn viêm khớp gút cấp.
Đây là loại thuốc có dược động học cao, nếu sử dụng không có hướng dẫn của bác sỹ, sẽ rất dễ gây ra các phản ứng phụ khó lường, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng.
Có thể thấy, các loại thuốc có in khuyến cáo “Thuốc kê đơn” là thuốc cần phải được bác sỹ kiểm soát liều lượng, thời gian và cách thức sử dụng, bởi dược tính mạnh. Nếu sử dụng không đúng chỉ định, thuốc có thể tác gây tác dụng phụ, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Uống thuốc không theo chỉ định của bác sỹ tiềm ẩn hiểm họa cho sức khỏe
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp cứu 02 trường hợp ngộ độc thuốc Amlodipin (thuốc hạ huyết áp) nặng do sử dụng một liều lượng thuốc lớn dẫn đến kết cục thương tâm.
Đầu tiên phải kể đến trường hợp cụ T., bệnh sinh năm 1938 nhập viện trong tình trạng hôn mê. Ban đầu người bệnh được chẩn đoán: Sốc chưa rõ nguyên nhân, suy đa tạng, theo dõi ngộ độc thuốc chẹn kênh canxi, đái tháo đường kèm theo nhiều bệnh lý nền phức tạp như: Tăng huyết áp, suy hô hấp, Ngất - trụy mạch, đợt cấp COPD, nhồi máu cơ tim cấp, Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline, …
Người thân của cụ T. khai trong bệnh án là cụ có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường và nhiều bệnh lý nền phức tạp. Cụ T. thường xuyên tự mua thuốc cao huyết áp để dùng. Đỉnh điểm, cụ T. đã uống cùng lúc 47 viên Amlodipin 5mg (tổng liều lượng 235mg) - một loại thuốc hạ huyết áp thông dụng thường được bác sỹ kê đơn cho những người có bệnh lý tăng huyết áp. Việc sử dụng một hàm lượng lớn thuốc này đã khiến cơ thể cụ T. bị nhiễm độc và kéo theo nhiều biến chứng nặng nề. Tuy cụ đã được các bác sỹ tích cực hồi sức cấp cứu và điều trị hỗ trợ bằng các kỹ thuật hiện đại nhất nhưng không thể qua khỏi.
Trường hợp bà C. sinh năm 1960 nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc ngày 19/12/2020 trong tình trạng tụt huyết áp nặng. Bà C. cũng là người có tiền sử tăng huyết áp và được bác sỹ kê đơn dùng thuốc hạ huyết áp thường xuyên. Theo lời kể, bà C đã cùng thời điểm sử dụng 29 viên thuốc amlodipin 5mg (tổng liều lượng là 145 mg) dẫn đến tụt huyết áp, choáng ngất và được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên đã qua nguy kịch. Hiện sức khỏe và tinh thần dần ổn định.
Tương tự, tại Nhà thuốc Phương Chính có địa chỉ số 29 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Khi được hỏi mua loại thuốc dành cho người bị đau và viêm trong phụ khoa (đau bụng kinh tiên phát, viêm phần phụ), thì nhân viên tại đây ngay lập tức lấy ra hộp thuốc Cataflam 25 bán cho phóng viên và thu tiền, mà không cần hỏi tình trạng của bệnh nhân thế nào. Theo quan sát, trên vỏ của hộp thuốc này cũng ghi rõ khuyến cáo “thuốc bán theo đơn”.
Thuốc Cataflam 25mg là một loại thuốc chống viêm không steroid, thành phần chính trong mỗi viên thuốc là Diclofenac 25mg. Diclofenac có tác dụng ức chế sinh tổng hợp prostaglandin. Prostaglandin đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tình trạng viêm, đau và sốt.
Thuốc Cataflam 25 có tác dụng làm giảm đau rõ rệt đối với đau trung bình và nặng. Các nghiên cứu lâm sàng cũng phát hiện thuốc Cataflam 25 có khả năng giảm đau và giảm mức độ chảy máu trong đau bụng kinh nguyên phát. Thuốc Cataflam 25mg cũng cho thấy hiệu quả trong việc làm giảm đau đầu và cải thiện triệu chứng kèm theo như buồn nôn và nôn.
Chống chỉ định của thuốc Cataflam 25mg bao gồm các trường hợp sau: Người đang bị viêm loét, xuất huyết, hoặc thủng dạ dày hoặc ruột, suy gan nặng, suy thận nặng, bệnh mạch máu não… Những thông tin quan trọng về thuốc Cataflam 25 không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Do đó để đảm bảo an toàn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ chuyên môn.
Theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu & Công luận, không chỉ những Nhà thuốc Phương Chính đã nêu, một số Nhà thuốc Phương Chính khác trên địa bàn TP. Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tự ý bán các loại thuốc “Thuốc kê đơn”, mà không có đơn của bác sỹ.
Trước vấn đề nêu trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao biết rõ thuốc có ghi khuyến cáo “Thuốc kê đơn” bắt buộc phải có đơn chỉ định của bác sỹ mới được phép bán và sử dụng, nhưng cac nhà Nhà thuốc Phương Chính trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn bán cho người mua? Giả sử, nếu người bệnh mua về sử dụng xảy ra biến chứng, phản ứng thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ đến tính mạng thì Nhà thuốc và nhân viên bán thuốc sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
Để chấn chỉnh tình trạng nói trên, đề nghị Thanh tra Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội kiểm tra các nội dung mà tạp chí Thương hiệu và Công luận phản ánh như: Việc thực hiện các quy định của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động kinh doanh, thủ tục hành chính tại quầy thuốc như hóa đơn chứng từ, việc niêm yết giá và các sản phẩm chức năng hỗ trợ…
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả!
Các quy định của pháp luật
Ngày 07/09/2017, Bộ Y tế đã phê duyệt và ban hành đề án: “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” với mục tiêu chính là “Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là kháng sinh qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý” và mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc”.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 15/11/2020, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế hoàn toàn Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với khung xử phạt tăng rất nhiều.
Tại điểm đ, khoản 3, Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại điểm đ, khoản 8 của Điều này: “Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ, khoản 3, Điều này”.
Điều 315 "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", Bộ luật Hình sự 2015:
Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Lê Pháp – Minh An