Theo thông tư số 07/2017/TT-BYT, ngày 30/05/2017 quy định rõ hai danh mục thuốc được bán tại các nhà thuốc đó là thuốc bán phải có đơn thuốc của bác sỹ - gọi là thuốc kê đơn và thuốc bán không cần đơn thuốc - gọi là thuốc không kê đơn. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục bắt buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán một cách công khai, dễ dàng, không cần bất kỳ đơn thuốc nào.
Người tiêu dùng muốn mua thuốc nhanh chóng, không muốn phiền hà, mất thời gian đi khám bệnh để được bác sỹ kê đơn, người bán thuốc vì doanh số nên "đi tắt" một số quy định. Điều này dẫn đến việc mua bán thuốc không theo đơn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn TP. Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.
Ngày 10/03/2023, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã "mục sở thị" và trực tiếp mua thuốc tại Nhà thuốc GIA HUY trên địa bàn TP. Hà Nội.
Từ việc bán “Thuốc kê đơn” không cần đơn của bác sỹ…
Phóng viên Thương hiệu & Công luận đến Nhà thuốc GIA HUY, có địa chỉ số 55 ngõ 54 Nguyễn Trí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội để được tư vấn mua thuốc. Khi Phóng viên hỏi mua loại thuốc Nexium 10mg thì nhân viên bán thuốc tại đây lập tức bán cho Phóng viên và thu tiền, mà không cần hỏi về đơn thuốc của bác sỹ cũng như tình trạng của bệnh nhân thế nào. Theo quan sát, trên vỏ của hộp thuốc này ghi rõ khuyến cáo “Thuốc bán theo đơn”.
Được biết, thuốc Nexium 10mg có chứa thành phần Esomeprazole magnesium trihydrate có hàm lượng 10mg. Tác dụng của Esomeprazole magnesium trihydrate: Ức chế hoạt động của bơm H+ ở niêm mạc thành dạ dày, từ đó giúp làm giảm sự bài tiết của acid dịch vị và ngăn chặn được triệu chứng do đau, loét dạ dày gây ra...
Nexium 10mg được chỉ định chính cho trẻ em từ 01 - 11 tuổi, trong thuốc Nexium 10mg có một thành phần là sucrose – có thể gây loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương. Do đó thuốc không dùng cho những bệnh nhân đang gặp vấn đề về xương khớp nói chung hoặc nếu dùng cần hỏi ý kiến của bác sĩ. Những đối tượng bị dị ứng, mẫn cảm với bất kỳ thành phần đơn lẻ nào của thuốc đều không được dùng. Người bệnh nên dùng thuốc đúng theo liều dùng và cách dùng mà bác sĩ đã chỉ định, không tự ý tăng liều, hạn chế bỏ thuốc mà cần uống đúng theo hướng dẫn. Đây là loại thuốc được chỉ định chính cho trẻ em từ 01 - 11 tuổi, nếu sử dụng không có hướng dẫn của bác sỹ, sẽ rất dễ gây ra các phản ứng phụ khó lường, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng.
Trước vấn đề nêu trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao biết rõ thuốc có ghi khuyến cáo “Thuốc bán theo đơn”, bắt buộc phải có đơn chỉ định của bác sỹ mới được phép bán và sử dụng, nhưng Nhà thuốc GIA HUY vẫn bán cho người mua? Giả sử, nếu người bệnh mua về sử dụng xảy ra biến chứng, phản ứng thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ đến tính mạng thì Nhà thuốc sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
Trong một diễn biến khác, khi Phóng viên đề nghị nhân viên bán thuốc tại Nhà thuốc GIA HUY xuất hóa đơn thì nhân viên một mực từ chối và nói rằng: “Giá thuốc dán trên vỏ hộp thuốc rồi, không cần phải hóa đơn”. Tuy nhiên, sau nhiều lần yêu cầu xuất hóa đơn thì nhân viên nhà thuốc này có thái độ khó chịu và miễn cưỡng viết cho chúng tôi hoá đơn bán hàng. Đáng nói, trên hoá đơn bán hàng của Nhà thuốc GIA HUY chỉ có thông tin như tên thuốc, giá tiền mà không có thông tin: Tên Nhà thuốc, địa chỉ…(gọi là xuất hóa đơn cho có).
“Hóa đơn là chứng từ kế toán do người bán hàng lập ghi nhận nghiệp vụ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nó thể hiện việc hàng hóa, dịch vụ được bán ra và phản ánh doanh thu nhận được. Hoá đơn là chứng từ thương mại thể hiện quan hệ mua bán, trao đổi giữa người mua và người bán, có giá trị làm bằng chứng chứng nhận cho việc chuyển nhượng hàng hoá giữa hai bên”. Tại sao nhân viên nhà thuốc lại từ chối việc xuất hóa đơn cho khách hàng?
… đến việc bán thuốc giá cao hơn thị trường
Thuốc là mặt hàng có đặc thù, không thể mặc cả giữa người bán và người mua, “bảo bao nhiêu phải mua bấy nhiêu”. Tại các cửa hàng thuốc, giá thuốc có thể được niêm yết trên bao bì mỗi hộp, nhưng người mua cũng không thể biết đấy là giá đúng hay giá cao. Còn khi phải vào viện, với đơn thuốc bác sỹ đã kê, có khi tới cả gần chục loại, giá lên đến vài triệu đồng, thì người bệnh cũng chỉ biết tin tưởng mua tại hiệu thuốc mà bác sỹ đã chỉ định. Thực tế này đã tồn tại trong thời gian dài.
Trong vai người tiêu dùng có nhu cầu mua thuốc: Colchicin 1mg và Flagyl 250mg - thuộc danh mục thuốc kê đơn, Phóng viên đã đi khảo sát tại Nhà thuốc GIA HUY cũng như một số nhà thuốc khác trên địa bàn TP. Hà Nội, kết quả thực tế cho thấy, thuốc Colchicin 1mg có giá bán dao động từ 18-20.000 đồng/hộp còn thuốc Flagyl 250mg có giá bán dao động từ 22-23.000 đồng/hộp. Điều làm Phóng viên khó hiểu là cùng một loại thuốc, cùng tên thuốc, thành phần và cùng công ty sản xuất nhưng giá bán thuốc Colchicin 1mg và Flagyl 250mg của Nhà thuốc GIA HUY lại có giá bán cao hơn nhiều so với nhà thuốc khác.
Khảo sát tại một nhà thuốc trên quận quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho thấy, giá bán hộp thuốc Colchicin 1mg có giá 18.000đồng, còn hộp thuốc Flagyl 250 mg có giá bán 22.000đồng. Bên cạnh đó, Nhà thuốc còn xuất hóa đơn thể hiện đầy đủ thông tin theo đúng quy định.
Tuy nhiên, tại Nhà thuốc GIA HUY, hộp thuốc Colchicin 1mg – thuốc được sử dụng để điều trị bệnh Gout có giá bán là 18.000 đồng, chênh nhau 12.000 đồng. Một hộp thuốc Flagyl 250 mg - thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng có giá bán là 30.000 đồng, chênh nhau 8.000 đồng. Tại đây, Phóng viên mong muốn xin hoá đơn bán hàng hoặc bill thì nhận được câu trả lời của nhân viên: “Không hoá đơn chứng từ gì hết vì giá thuốc có dán trên vỏ hộp rồi”.
Việc niêm yết giá thuốc được quy định tại nghị định 54 hướng dẫn luật Dược. Theo đó, tất cả các loại thuốc, tất cả các cơ sở buôn bán, nhà thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại và không được bán giá cao hơn giá niêm yết. Nhưng việc các Nhà thuốc GIA HUY đang bán thuốc giá cao hơn thị trường, bán loạn giá... không hoá đơn chứng từ đang cho thấy đã có quy định nhưng lại thiếu quản lý, thiếu kiểm tra giám sát.
Để chấn chỉnh tình trạng nói trên, đề nghị Thanh tra Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội kiểm tra các nội dung mà tạp chí Thương hiệu và Công luận phản ánh như: Việc thực hiện các quy định của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động kinh doanh, thủ tục hành chính tại quầy thuốc như hóa đơn chứng từ, việc niêm yết giá và các sản phẩm chức năng hỗ trợ…
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả!.
Quy định của pháp luật
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế hoàn toàn Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế. Với khung xử phạt tăng rất nhiều, có thể thực sự thay đổi được thực trạng đáng báo động nói trên.
Tại điểm đ, khoản 3, Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại điểm đ, khoản 8 điều này: “Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ khoản 3 Điều này”.
Lê Pháp