Tòa soạn Thương hiệu và Công luận nhận được thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, buôn bán các sản phẩm là dược phẩm của một số Nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc MARIKO trên địa bàn TP. Hà Nội chưa đúng với quy định của Bộ Y tế.
Ngày 13/12/2022, Phóng viên Thương hiệu & Công luận đã "mục sở thị" và trực tiếp mua thuốc tại một số Nhà thuốc thuộc hệ thống MARIKO trên địa bàn TP. Hà Nội.
Một số Nhà thuốc thuộc hệ thống MARIKObán “Thuốc kê đơn” nhưng không cần đơn thuốc của bác sỹ
Theo Luật Dược năm 2016, thuốc kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không đúng chỉ định của bác sỹ chuyên khoa kê đơn thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe.
Để phân biệt được đâu là thuốc kê đơn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BYT quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Trong Thông tư, tại Điều 15 ghi rõ về các dấu hiệu lưu ý và khuyến cáo khi dùng thuốc: "Đối với thuốc kê đơn, trên nhãn bao bì phải ký hiệu “Rx” tại góc bên trái của tên thuốc và dòng chữ “Thuốc kê đơn”. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc cũng phải kèm ký hiệu “Rx” kèm theo dòng chữ “Thuốc này chỉ dùng theo đơn”".
Nghị định 124/2021/NĐ-CP hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng đối với hành vi “bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”.
Quy định là vậy, nhưng theo ghi nhận của Phóng viên Thương hiệu & Công luận tại Nhà thuốc MARIKO số 199 Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, khi mua thuốc khách hàng không cần nêu triệu chứng bệnh, chỉ cần đọc tên thuốc cần mua, nhân viên nhà thuốc sẽ tư vấn và lấy thuốc bán cho khách.
Bán thuốc không kê đơn, hậu quả khó lường
Tình trạng trên cũng diễn ra tại nhiều Nhà thuốc thuộc hệ thống MARIKO khác trên địa bàn TP. Hà Nội, cụ thể: Nhà thuốc MARIKO có địa chỉ số 299 Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội tự ý bán các loại thuốc “thuốc kê đơn”, mà không cần trình đơn thuốc của bác sỹ cho nhân viên bán thuốc. Khi Phóng viên hỏi mua 02 loại thuốc Colchicin 1 mg và Flagyl250 mg thì, nhân viên bán hàng tại đây lập tức bán cho Phóng viên và thu tiền, mà không cần hỏi người mua có đơn theo chỉ định của bác sỹ hay không. Đáng nói, trên bao bì của 02 loại thuốc này đều ghi rõ khuyến cáo “thuốc bán theo đơn” (phải có đơn chỉ định từ bác sỹ, thì các cửa hàng thuốc mới được phép bán cho người mua – Phóng viên).
Dược sĩ Dương Thanh Hải của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, phân tích về thuốc Colchicin 1 mg: "Thuốc Colchicin là loại thuốc có nguồn gốc thực vật, được sử dụng để điều trị bệnh Gout và một số bệnh lý viêm trên cơ thể người. Colchicin có khả năng ức chế sự di chuyển và hóa ứng động, cũng như sự bám dính và thực bào của bạch cầu trung tính tại ổ viêm để làm giảm phản ứng viêm với tinh thể urat và đem đến hiệu quả điều trị bệnh".
Tuy nhiên, nếu không được sử dụng đúng cách thì Colchicin lại là loại thuốc có nguy cơ cao gây độc tính nghiêm trọng và có thể gây tử vong cho người bệnh nếu sử dụng không đúng cách. Ngộ độc Colchicin có thể sánh ngang với ngộ độc asen, chính vì thế nếu dùng quá liều (0,5mg/kg) có thể gây tử vong.
Tác dụng phụ có thể gặp của thuốc Colchicin chính là làm tổn hại đến tủy xương, người bệnh gout điều trị bằng thuốc Colchicin liều cao có thể bị thiếu máu, rụng tóc vì tủy xương bị tổn hại. Ngoài ra, người bệnh có thể bị khó tiêu, sốt nhẹ, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chảy máu dạ dày - ruột, viêm thần kinh ngoại biên, nổi ban, tổn thương gan, thận.
Thuốc Flagyl 250 mg thuộc nhóm kháng khuẩn và kháng ký sinh trùng. Thuốc được dùng trong các trường hợp nhiễm vi khuẩn và các loại ký sinh trùng nhạy cảm với nhóm nitro 5-imidazol. Với mỗi trường hợp cụ thể thì việc dùng thuốc lại khác nhau. Do vậy, nếu dùng thuốc không đúng về công dụng, liều dùng, những lưu ý khi dùng thuốc Flagyl 250mg sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người sử dụng.
Được biết, đây đều là những loại thuốc có dược động học cao, nếu sử dụng không có hướng dẫn của bác sĩ, sẽ rất dễ gây ra các phản ứng phụ khó lường, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng.
Trước vấn đề nêu trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao, biết rõ thuốc có ghi khuyến cáo “thuốc bán theo đơn” bắt buộc phải có đơn chỉ định của bác sỹ mới được phép bán và sử dụng, nhưng một số Nhà thuốc thuộc hệ thốngb MARIKO vẫn bán cho người mua? Giả sử, nếu người bệnh mua về sử dụng mà xảy ra biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Trước sự việc trên, kính đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, xử lý những vi phạm tại các nhà thuốc nêu trên thuộc hệ thống MARIKO.
Các quy định của pháp luật điều chỉnh
Trước tình trạng mua bán thuốc không theo đơn của bác sỹ, ngày 07/09/2017, Bộ Y tế đã phê duyệt và ban hành đề án: “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” với mục tiêu chính là “Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là kháng sinh qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý” và mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc”.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 15/11/2020, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế hoàn toàn Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với khung xử phạt tăng rất nhiều.
Tại điểm đ, khoản 3, Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại điểm đ, khoản 8 của Điều này: “Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ khoản 3 Điều này”.
Điều 315 "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", Bộ luật Hình sự 2015:
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
Lê Pháp