Quang cảnh Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn

Tham dự sự kiện có hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, các cấp Hội Nhà báo và các doanh nhân, doanh nghiệp.

Sự kiện được tổ chức là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, từ đó tăng cường mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của xã hội.

Tại Diễn đàn, các đại biểu khẳng định, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa. Để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động và minh bạch cung cấp thông tin với báo chí.

Đối với cơ quan báo chí, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Các phóng viên, nhà báo phụ trách về mảng này cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế; thông tin chính xác, khách quan, đa chiều, tránh gây hoang mang dư luận.

Trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp hiện nay, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan báo chí cần thực hiện có hiệu quả mô hình chuyển đổi số, có như vậy báo chí và doanh nghiệp mới có thể chung tay xây dựng một xã hội phồn vinh và phát triển.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Lê Quốc Minh
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Lê Quốc Minh.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Lê Quốc Minh nhấn mạnh:

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hai năm rưỡi qua, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng là một trong những nước được thế giới đánh giá trên đà phục hồi vững chắc và dự báo có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023 (theo dữ liệu Chỉ số Phục hồi Covid-19 mà Nikkei công bố tháng 05/2022. Việt Nam là một trong hai quốc gia thể hiện tốt nhất, tăng 48 bậc, từ vị trí 62 lên vị trí thứ 14). Đây chính là thành quả xứng đáng khi chúng ta thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Ông Lê Quốc Minh khẳng định, trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phải chống dịch, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện nhiều thông tin xấu độc gây hoang mang dự luận, thì những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm.

Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.

Nguyên nhân căn bản là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, trong khi một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để đưa tin chưa chính xác, hoặc lợi dụng sai phạm của doanh nghiệp để phục vụ lợi ích riêng.

Vậy, giải pháp nào để doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí và báo chí cần làm gì để minh bạch hơn trong việc xử lý thông tin. Sự minh bạch được hiểu là thái độ hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa doanh nghiệp và báo chí, ngay cả trong trường hợp thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp. Khả năng tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực diện sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh khỏi các thông tin đồn đại, thiếu chính xác, hoặc ít nhất có thể tạo ra các cơ hội giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách tích cực. Đương nhiên, tinh thần thiện chí, khách quan của báo chí trước các vấn đề của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với tính nghiêm túc, độ tin cậy của cơ quan báo chí.

"Sự minh bạch chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp. Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan toả tới công chúng...", Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.

Nguyễn Kiên