Chủ tịch Hồ Chí minh (1890 - 1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo vĩ đại
Ngay từ những ngày đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã sớm tham gia các hoạt động báo chí.
Trong nghề làm báo, Bác Hồ rất quan tâm đến tấm gương người tốt, việc tốt để bất cứ tấm gương nhỏ nào cũng được nâng niu, khai thác.
Trải qua gần 60 năm hoạt động cách mạng, Bác Hồ sử dụng trên 170 bút danh, viết hơn 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh..., đa dạng các chủ đề, nhiều thể loại khác nhau gồm chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký, thơ (gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký...); đề cập đến các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội.
Ngòi bút của Người, bao quát rộng lớn những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đang đặt ra, phân tích một cách cụ thể, đánh giá rõ ràng, xác đáng, đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi. Những tác phẩm báo chí của Người, dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì, đều có một sắc thái rất riêng, hết sức độc đáo, sáng tạo.
Các bài viết của Bác, bao giờ cũng có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa nhuần nhụy, đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc.
Những bài viết của Bác dễ hiểu, được bạn đọc khắp 5 châu đón nhận, mến mộ.
Không chỉ viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm mọi công việc liên quan đến “nghề báo” như tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo việc làm báo, sửa bài, biên tập, in ấn, phát hành…
Thực tiễn phong phú đó, đã góp phần tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng - một di sản vô cùng quý giá, đặc biệt mà Bác đã để lại cho thế hệ sau.
Nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng - đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo và “nghệ thuật viết” để làm nên một tác phẩm báo chí có giá trị.
Có thể nói, những bài viết của Bác như một lời kêu gọi, có tác dụng vô cùng to lớn, trở thành sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, cổ vũ toàn dân tham gia kháng chiến, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Người khai sinh báo chí cách mạng Việt Nam
Ảnh media.qdnd.vn
Bác Hồ là người đã khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho báo chí Việt Nam - không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập Báo Le Paria (Người cùng khổ - 1922) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “cùng khổ” của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh “tự giải phóng”.
Người sáng lập ra các tờ báo Quốc tế Nông dân (1924), Công Nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Tạp chí Đỏ (1930), Cứu quốc (1942).
Sớm nhận ra thứ vũ khí đắc lực cho cách mạng là báo chí, ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và pháthành số 1. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này, đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.
Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, Người nhớ lại: “Năm 1941, Bác bí mật về nước. Theo lời dạy của Lênin “Tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo”. Cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật, vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Báo Việt Nam độc lập ra mắt từ ngày 1/8/1941, lúc đầu là cơ quan của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng, sau mở rộng ra toàn khu Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn”.
Việt Nam độc lập - là tờ báo hành động, gắn bó với quần chúng cách mạng, thôi thúc, giục giã quần chúng tham gia phong trào Việt Minh, chuẩn bị cho thời kỳ lớn, vận hội lớn của dân tộc. Hồ Chí Minh không chỉ là người lãnh đạo, định hướng tổ chức, mà còn tuyên truyền cổ động cho tờ báo: Báo Độc lập hợp thời đệ nhất/Làm cho ta mở mắt mở tai/Cho ta biết đó biết đây!
Báo Vệ Quốc quân ra đời từ chủ trương của Trung ương Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương), tại Hội nghị Chính trị viên toàn quân lần thứ nhất, diễn ra tháng 2/1947. Trong thư chúc mừng Báo Vệ Quốc quân ra số đầu tiên, Người nhấn mạnh: “Vệ Quốc quân là quân đội của Nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ Quốc quân là cốt để nâng cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội”.
Trong thư gửi Báo Quân du kích (số 1 ra ngày 1/4/1948), Người chỉ rõ: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.
Ngày 7/9/1945, Bác chỉ thị thành lập Đài Phát thanh quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam); ngày 15/9/1945, thành lập Hãng tin quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam); ngày 11/3/1951, thành lập Báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân).
Ngày 20/10/1950, thời điểm đang bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định sáp nhập 2 tờ báo Vệ Quốc quân và Quân du kích thành một tờ báo thống nhất của quân đội và dân quân Việt Nam. Thật vinh dự, tự hào, tờ báo mới của lực lượng vũ trang được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặt tên.
Người nói: Quân đội ta là Quân đội Nhân dân, tờ báo của quân đội là “Quân đội Nhân dân”!
Người làm báo là quan trọng và vẻ vang
Ảnh phải 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Nhà báo Wilfred Burchett (ngoài cùng bên phải) tại Phủ Chủ tịch năm 1966 (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam); Ảnh trái 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) tiếp Hội Nhà báo Khmer, năm 1958
Đối với người làm báo cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Do đó “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng”.
Bác căn dặn: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy, thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”.
Bác cho rằng: “Đối với những người viết báo, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh... Tính chiến đấu, không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng”.
Một mặt, Người yêu cầu: “Báo chí và văn nghệ, phải tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ, thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”.
Mặt khác, Người đề nghị báo nên có mục “ý kiến bạn đọc” - coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng.
Về tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam: Đây là điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam, là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng với báo chí phản cách mạng.
Người luôn nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai?
Theo đó, Người yêu cầu:
“Báo chí ta, không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo.
Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: Nội dung - tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát; hình thức - tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”.
“Viết cho ai xem và viết để làm gì?”
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Đại hội III, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962 (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)
Đối với người làm báo, đạo đức và năng lực là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước. Yêu cầu đầu tiên đối với người làm báo đó là phải vững vàng về phẩm chất chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
“Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…), phải có lập trường chính trị vững vàng. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng, thì những việc khác mới đúng được. Cho nên báo chí của ta, đều phải có đường lối chính trị đúng.
Do đó, mỗi nhà báo, khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?
Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Không được tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Đồng thời, phải tuyệt đối tránh các lỗi viết quá dài “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng; đưa tin tức hấp tấp, thiếu thận trọng có thể dẫn đến lộ bí mật; dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”.
Người nói với báo giới:
“Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, viết “phục vụ Nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng.
Bác biết các chú văn hay chữ tốt. Nhưng dù sao, Nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh, có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì, muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”.
Người dạy những người làm báo rằng:
“Viết báo phải có căn cứ, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Không được vội vàng, mới nghe qua đã viết; không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ.
Viết phải làm sao sát đối tượng, bao giờ cũng phải tự hỏi “viết cho ai xem, nói cho ai nghe?”; nếu không như vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”...
Lời Bác dạy, mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ
Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân năm 1957 (Ảnh tư liệu)
Trong kỷ nguyên mới hội nhập và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống làm cho báo chí nước nhà luôn xứng đáng là diễn đàn của Nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong những năm qua, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt: Tăng loại hình, số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức; tăng phạm vi phát hành, phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và số công chúng của báo chí trong và ngoài nước; tăng nguồn lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ hiện đại…
Các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; đóng góp tích cực trong việc hướng dẫn nhận thức xã hội; kịp thời đấu tranh, phê phán những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới.
Tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, đã và đang đặt ra cho công tác báo chí nhiệm vụ nặng nề, quan trọng đó là giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của Nhân dân; động viên mọi tiềm năng, sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Báo chí phải đảm bảo tính tư tưởng, giáo dục, chiến đấu, chân thật và thẩm mỹ; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích và lập trường chính trị của Báo chí cách mạng; chống khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận; chống hiện tượng lợi dụng báo chí và tự do ngôn luận để làm lộ bí mật quốc gia, thông tin kích động dư luận, xúc phạm và trù dập công dân.
Báo chí phải góp phần vào việc xây dựng con người mới, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về đời sống tinh thần của Nhân dân; tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời đấu tranh chống ảnh hưởng xấu độc của văn hóa ngoại lai, góp phần bảo vệ và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Báo chí cũng có trách nhiệm vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại về tư tưởng của kẻ địch; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, cùng những thành tựu mọi mặt của công cuộc đổi mới, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.
Xuân Phong