THCL Làm thế nào để bảo tồn đúng giá trị truyền thống khi thực hành nghi lễ hầu đồng, nhất là khi “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” đã chính thức được UNESCO công nhận trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong dịp cuối năm 2016?

Với cái nhìn cởi mở hơn của xã hội, tín ngưỡng thờ mẫu và hầu đồng ngày càng có chiều hướng phát triển rộng hơn. Tuy nhiên, cùng với đó, vấn đề về thương mại hóa, sân khấu hóa, làm sai lệch trong nghi lễ hầu đồng, lợi dụng nghi lễ… đã diễn ra.

Vấn đề này đặt ra cho các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến nghi lễ hầu đồng, làm thế nào để nghi lễ này đi đúng quỹ đạo như vốn có của nó?

Rất nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để tìm hướng đi cho phù hợp trong đó có: Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức tọa đàm về “Nghi lễ hầu đồng cổ truyền - Bảo tồn và phát triển trong tín ngưỡng thờ Mẫu” trong tháng 11; Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội, Diễn đàn Hát văn Việt Nam , Văn phòng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ (UNESCO) tại Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức Người Việt" trong tháng 12…

Tại các buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận và đưa ra những ý kiến làm rõ một số vấn đề liên quan đến nghi lễ hầu đồng cổ truyền. Theo đó, nghi lễ hầu đồng cổ truyền và hát chầu văn là một loại hình diễn xướng dân gian, thường diễn ra ở các đền, phủ, miếu nhằm tụng ca công đức của Thánh mẫu Liễu Hạnh và Đức thánh Trần Hưng Đạo.

Loại hình diễn xướng này có vai trò trung tâm trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thể hiện rõ truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Hiện nay, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt có ở nhiều địa phương, nhiều nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tuy nhiên, cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác, Đạo Mẫu và Hầu đồng, bên cạnh những giá trị kể trên, tùy từng thời kỳ cũng thể hiện những khía cạnh phản giá trị; Lợi dụng Đạo Mẫu và Hầu đồng để mưu cầu lợi ích cá nhân và làm giầu bất chính. Tính phân tán tản mạn, tùy tiện trong thực hành nghi lễ đang là thực tế nhức nhối của Đạo Mẫu trong xã hội hiện nay.

Vì vậy, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu. Cụ thể như: Những người thường xuyên thực hành di sản, trực tiếp là các thanh đồng cần có tâm thành, lòng thiện, không lợi dụng nghi lễ hầu đồng để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân.

Thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm giữ các thanh đồng - những người thực hành nghi lễ với người quản lý, người trông coi di tích để tìm một tiếng nói chung thống nhất, tìm những bộ trang phục phù hợp và chuẩn nhất cho việc thực hành nghi lễ; nghiên cứu và đưa ra bộ tài liệu với những thông tin tri thức chuẩn mực nhất về tín ngưỡng thờ Mẫu, về Đạo Mẫu, cách thực hành nghi lễ...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Kim Hùng, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thờ Mẫu và hát Văn Hà Nội cho rằng: “Các thành đồng cần phải bảo tồn những sắc thái cơ bản trong khăn áo truyền thống của các bậc tiền bối xưa.

Việc phát huy cần đúng mức độ để không bị biến thái. Đồng thời, các thanh đồng vẫn phải dựa vào những câu hát văn miêu tả trang phục của các vị thánh để có sắc màu, hình thái trang phục cho phù hợp, không nên thay đổi theo ý thích riêng của mình”.

Bảo tồn và phát triển nghi lễ hầu đồng cổ truyền - Hình 1

Thanh đồng Nguyễn Tất Kim Hùng với Nghi lễ hầu đồng cổ truyền 

Cũng theo ông Kim Hùng, để bảo tồn và phát triển tín ngưỡng hầu đồng cổ truyền cần xây dựng một quy ước chung cho việc tổ chức nghi lễ lên đồng từ lễ vật, hàng mã, phục trang, hóa trang, vũ đạo, âm nhạc, cách thức ban phát lộc thánh… để tiến tới xây dựng những vấn hầu thanh lịch và lịch sự, tránh phô diễn, khoe của.

Bước đầu xây dựng bản quy chế, quy ước chung cho các bản hội giống như luật định, để từ đó làm cơ sở đoàn kết quy tụ các thanh đồng , các con nhang đệ tử để góp phần làm lành mạnh hóa sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu…

Tại buổi Giao lưu và tọa đàm khoa học về “Nghi lễ hầu đồng cổ truyền - Bảo tồn và phát triển trong tín ngưỡng thờ Mẫu”, ông Vũ Công Hội, Vụ trưởng Vụ Văn hóa (Ban Tuyên giáo Trung ương) chia sẻ: “Hy vọng trong thời gian tới, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nghi lễ hầu đồng cổ truyền sẽ đạt được những bước tiến vững chắc, để hầu đồng trở thành nét văn hóa riêng của Việt Nam, đồng thời từng bước đưa nghi lễ này trở lại với giá trị văn hóa vốn có của nó”.

Hiền Triệu