THCL Tại Phiên họp Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO, diễn ra tại Ethiopia vào tối qua (theo giờ địa phương), hồ sơ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã chính thức được UNESCO thông qua, trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Một giá hầu trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, bao gồm các nghi lễ: Lễ cúng, hầu đồng, hát văn và các lễ hội tiêu biểu. Trong đó, Lễ hội Phủ Giày (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch tại Vụ Bản (Nam Định), được coi là lễ hội lớn nhất trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Nam Định cũng là mảnh đất có nhiều đền nhất cả nước với hơn 400 ngôi đền lớn nhỏ.
Trong các nghi lễ của Tín ngưỡng thờ Mẫu, những vị thánh lần lượt được tái hiện qua trang phục, những động tác diễn xướng, qua những làn điệu hát văn. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Việt cổ, được lưu truyền qua hàng nghìn năm.
Bên cạnh đó, Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá cao trong việc tôn vinh những người có công với đất nước, không chỉ là có Mẫu Mẹ, mà còn nhiều vị thánh tại nhiều địa phương có xuất thân từ người Tày, Nùng… Đó là sợi dây liên kết giữa 54 dân tộc, cũng như lan tỏa tinh thần đoàn kết, những khao khát về cuộc sống ấm no, không chỉ gói gọn trong một địa phương nào đó, mà có sức lan tỏa đến rất nhiều địa phương trên cả nước.
Hát văn - một nét đặc sắc của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
Đây là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thứ 11 của Việt Nam được vinh danh. Trước đó, Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế, Hội Gióng, Cồng chiêng Tây Nguyên… cũng đã được UNESCO vinh danh.
Quang Nam