Hội thảo “Phân biệt hàng thật, hàng giả” do Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Định phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền

Tham dự Hội thảo có các vị: Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Định; Phan Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội VACIP; Dương Thị Hồng Hiếu, Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Định; đại diện lãnh đạo một số văn phòng, công ty luật (Công ty Luật TNHH Thắng Phạm và Công sự; Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam; Công ty Luật TNHH T&G; Công ty Luật TNHH IP MAX…); gần 90 đại biểu đại diện một số sở, ngành, như: Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định; Cục Hải quan Bình Định; Phòng PC03, Công an tỉnh Bình Định; Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Chức vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các phòng, ban, Đội QLTT trực thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Định…

Bà Dương Thị Hồng Hiếu (đứng trong cùng) phát biểu khai mạc Hội thảo.
Bà Dương Thị Hồng Hiếu (đứng trong cùng) phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Phân biệt hàng thật, hàng giả”, thay mặt lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Bình Định, bà Dương Thị Hồng Hiếu cho biết: Hiện nay, hàng giả và hàng xâm phạm quyền vẫn ngang nhiên “chen vai sát cánh” cùng hàng thật ở mọi nơi, mọi lúc. Bất kỳ một sản phẩm nào cũng có nguy cơ bị làm giả, từ hàng tiêu dùng, vật tư cho đến thuốc chữa bệnh.

Hàng giả, hàng kém chất lượng còn ngang nhiên được bày bán công khai, tràn lan trên các địa bàn, cửa hàng từ nông thôn cho đến thành thị, gây tác động xấu đến nền kinh tế của đất nước cũng như ảnh hưởng lớn đến an toàn sức khỏe của người dân và đặc biệt là làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia trong con mắt của các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

Trước tình hình trên, các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp để đẩy lùi nạn sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền hữu trí tuệ, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp, trên phạm vi cả nước và trên các địa bàn rất nghiêm trọng. Việc kiểm tra xử lý đối với lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác nhận diện phân biệt hàng thật-hàng giả của chính lực lượng thực thi.

Lãnh đạo Cục QLTT Bình Định và đại biểu các cơ quan, đơn vị tham dự Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền
Lãnh đạo Cục QLTT Bình Định và đại biểu các cơ quan, đơn vị tham dự Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền

Vì vậy, Hội thảo lần này tập trung vào 4 vấn đề chính, gồm:

- Trao đổi với các chủ thể quyền hiện là thành viên của Hiệp hội VACIP trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý hàng hóa giả mạo, vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ trên địa bàn các tỉnh.

- Thảo luận và trả lời vướng mắc liên quan đến việc phối hợp trong công tác thực thi bảo vệ Quyền Sở hữu trí tuệ và chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ

- Đại diện các nhãn hiệu tham gia mang tới các sản phẩm thật và giả để cán bộ kiểm tra, phân biệt một cách trực quan và trao đổi kinh nghiệm giữa các bên.

- Đề xuất các phương thức phối hợp và xử lý hiệu quả hơn trong thời gian đến.

Ông Phan Minh Nhựt phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: V.H.
Ông Phan Minh Nhựt phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: V.H.

Còn Chủ tịch Hiệp hội VACIP Phan Minh Nhựt thì cho biết: Mục đích của Hội thảo “Phân biệt hàng thật, hàng giả” lần này là nhằm trang bị cho cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Định những kiến thức cơ bản về cách nhận biết hàng thật, hàng giả; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, chủ sở hữu và DN trong đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn góp phần nâng cao hiệu quả, giúp người tiêu dùng nhận biết dấu hiệu thật, giả của hàng hóa, từ đó trở thành người tiêu dùng thông thái, nói không với việc lựa chọn mua, sử dụng sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội trưng bày hàng thật, hàng giả nâng cao uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, lôi cuốn các doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia công tác đấu tranh chống hàng giả đối với các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh…

Đại diện Công ty TNHH Blum Việt Nam giới thiệu về cách phân biệt sản phẩm Blum thật, giả? Ảnh: Viết Hiền.
Đại diện Công ty TNHH Blum Việt Nam giới thiệu về cách phân biệt sản phẩm Blum thật, giả? Ảnh: Viết Hiền.

Đáng lưu ý, tại Hội thảo “Phân biệt hàng thật, hàng giả”, các đại biểu là cán bộ,công chức làm nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được nghe đại diện Hiệp hội VACIP trao đổi, giới thiệu về các chủ thể hiện là thành viên của Hiệp hội trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý hàng hóa giả mạo, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn các tỉnh; nghe đại diện một số DN giới thiệu về cách phân biệt hàng thật, hàng giả…

Bên cạnh đó, các DN và đại diện một số nhãn hiệu hàng hóa còn trưng bày các sản phẩm thật - giả để các đại biểu tham dự Hội thảo kiểm tra, phân biệt trực quan và trao đổi kinh nghiệm; qua đó đề xuất các phương thức phối hợp và xử lý hiệu quả hơn trong đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Ban tổ chức Hội thảo “Phân biệt hàng thật, hàng giả” còn dành thời gian để các đại biểu thảo luận; đồng thời nghe lãnh đạo Hiệp hội VACIP và các chuyên gia trả lời, giải đáp những vướng mắc liên quan đến việc phối hợp trong thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Còn đây là một số hình ảnh về Hội thảo “Phân biệt hàng thật, hàng giả”.

Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •  
  •