Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia" do UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Bình Định tổ chức.
Tham dự Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có các vị: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định; Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ly Tiết Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định; Tạ Xuân Chánh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH&TT Bình Định; Đỗ Văn Ngộ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phù Cát; Nguyễn Thị Tuyết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Phù Cát; Nguyễn Văn Hưng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát; đại biểu lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; cùng đông đảo cán bộ, nhân dân, nghệ nhân làng nghề Cát Tường, huyện Phù Cát…
Thay mặt Ban Tổ chức, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trao Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia".
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lâm Hải Giang cho biết: Nón ngựa Phú Gia từ lâu đã là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng, đã và đang được người dân xã Cát Tường, huyện Phù Cát duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hiện nay, nón ngựa Phú Gia có mặt ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam và cả nước ngoài. Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định.
Với những giá trị văn hoá đặc sắc, nghề chằm Nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của tỉnh Bình Định được ghi danh, sau Võ cổ truyền, Hát bội, Nghệ thuật Bài chòi, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước).
Việc nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề, tôn vinh và biểu dương cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Cát nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
Đồng thời, để nghề chằm Nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa trong dòng chảy văn hóa dân tộc, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu huyện Phù Cát chủ động phối hợp với các ngành liên quan tập trung thực hiện một số vấn đề:
Cần quy hoạch tổng thể, chi tiết đối với làng nghề, trong đó lưu ý đến các thiết chế truyền thống và không gian sử dụng nón ngựa để tiếp tục bảo tồn và phát triển, gắn kết việc giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề truyền thốngvới phát triển kinh tế, phát triển du lịch.
Xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để giữ nghề và truyền nghề, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức các hoạt động tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của chủ thể di sản; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Đẩy mạnh kết nối với các công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để xây dựng tour, tuyến phục vụ nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế, hướng đến mục tiêu xây dựng du lịch làng nghề nón ngựa Phú Gia là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Thay mặt UBND huyện Phù Cát phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết: Việc Trung ương công nhận, ghi danh “Nghề chằm nón ngựa Phú gia”, xã Cát Tường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa từ loại hình di sản văn hóa phi vật thể này.
Làng nghề nón ngựa Phú Gia là một trong những niềm tự hào của người dân Cát Tường nói riêng và người dân Phù Cát nói chung. Một sản phẩm ghi dấu ấn với sự hình thành và phát triển của Phù Cát, là một sản phẩm chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời của người dân Phù Cát.
Làng nghề nón ngựa Phú Gia dần trở thành một điểm đến du lịch, không chỉ mang đến sự thích thú cho du khách Việt mà còn có cả những du khách nước ngoài. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Phù Cát cùng các địa phương, tổ chức liên quan.
Đồng thời ông Chủ tịch UBND huyện Phù Cát xác định: Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản Làng nghề nón ngựa Phú Gia; trong thời gian tới, huyện Phù Cát sẽ quyết tâm triển khai thành công Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống – “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” tại xã Cát Tường”. Đây là tài nguyên văn hóa giàu tính nhân văn, có ý nghĩa nền tảng để phát triển ngành du lịch, làm cho hoạt động du lịch ngày thêm phong phú. Theo đó, huyện Phù Cát sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất của làng nghề phát triển sản xuất theo hướng liên kết tạo sản phẩm hàng hóa độc đáo, mang giá trị đặc trưng của làng nghề.
- Xây dựng, giới thiệu, quảng bá Di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tôn vinh các nghệ nhân, người nắm giữ Di sản, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản.
- Hình thành khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, khu trình diễn nghề truyền thống, kết hợp giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm; đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch, cải tạo môi trường, cảnh quan làng nghề phục vụ cho du lịch.
- Thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề cho con em ở địa phương. Tổ chức tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và kỹ năng thực hiện mô hình du lịch cộng đồng làng nghề.
- Tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo. Hình thành trang thông tin điện tử làng nghề, được cập nhật thông tin thường xuyên nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa đến với đông đảo du khách gần xa...
Tiếp đó, thay mặt các nghệ nhân và bà con làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia, nghệ nhân Đỗ Văn Lan đã phát biểu “đôi lời cảm tưởng” cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”; đồng thời ghi nhớ công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, nghệ nhân... đã có công sáng tạo, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản...
Đồng thời, nghệ nhân Đỗ Văn Lan cho biết: Chúng tôi xin hứa sẽ nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo hết mình để cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của bản thân nhằm giữ gìn di sản “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” để luôn có sức sống vững bền và ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp trong và ngoài tỉnh...
Viết Hiền