Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 10/2024 tăng trở lại, đạt 14,47 nghìn tấn, trị giá 26,29 triệu USD. Mức tăng lên tới 20,2% về lượng và tăng 19,9% về trị giá so với tháng 10/2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 10/2024 đạt 1.817 USD/tấn, giảm nhẹ 0,3% so với tháng 10/2023.
Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 120,31 nghìn tấn, trị giá 211,93 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 đạt 1.762 USD/tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.
10 tháng năm 2024, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng chè của Việt Nam, chiếm tới 34,7% tổng lượng và 41,2% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Đài Loan (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 2, chiếm gần 10,3% tổng khối lượng và 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước, đạt 12,4 nghìn tấn, tương đương 18,7 triệu USD.
Gây chú ý nhất là thị trường Trung Quốc. Thị trường Đông Á liên tục duy trì vị trí thứ 3 trong năm nay, đạt 11,4 nghìn tấn, tương đương 16,3 triệu USD, tăng 249% về lượng, tăng 114% về kim ngạch. Riêng tháng 10, nước tỷ dân đã tăng nhập hơn 298% lượng chè từ Việt Nam và tăng 201% về giá trị.
Tỷ trọng xuất khẩu chè sang Trung Quốc theo đó tăng mạnh, chiếm 9,5% tổng lượng và 7,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam. Giá xuất khẩu bình quân 10 tháng sang Trung Quốc chỉ đạt 1.426 USD/tấn, giảm 38,6% so với cùng kỳ. Nước này vốn chiếm vị trí số 1 về sản xuất và cung cấp chè trong nhiều thập kỷ và sở hữu diện tích trồng gấp 14 lần Việt Nam.
Với sản lượng xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 126,8 nghìn tấn, sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu chè (trà) đứng thứ 5 trên thế giới. Tổng diện tích cây chè cả nước hiện nay khoảng 122.000 ha. Các địa phương trồng chè chủ yếu là Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái, Hà Giang...
Hiện, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, trong đó chè đen và chè xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu. Mặc dù sản lượng và số lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu được của mặt hàng này lại chưa cao, không ổn định, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường chính, nhất là giá trị thành phẩm hiện nay còn thấp. chỉ bằng 70 - 75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, thế giới đang nhìn vào Việt Nam là thị trường giá rẻ và họ muốn đến Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận từ chè. Những người làm chè xuất khẩu trong nước lại đang trong tâm thế "dễ mua, dễ bán", miễn là làm ra bán được là bán, dẫn đến tình trạng chúng ta đang rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới. Để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ngành chè cần chuyển hướng sang chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đặc thù.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu khoảng 156 nghìn tấn chè, chiếm khoảng 80% sản lượng chè cả nước, với mức tăng trưởng trung bình 0,83% mỗi năm.
Hà Trần(t/h)