Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ Quốc – 2025 do Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức.

Tham dự Ngày hội có các đồng chí: Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; khoảng 200 đại biểu là đồng bào của 28 cộng đồng dân tộc thuộc các địa phương trên cả nước… Đoàn công tác tỉnh Bình Định tham dự Ngày hội do ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định dẫn đầu.

Theo Ban tổ chức, Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ Quốc – 2025 là hoạt động thường niên được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới. Ngày hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc của cộng đồng 54 dân tộc, mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ khách du lịch những ngày đầu xuân.
Ngày hội gồm có nhiều chương trình phong phú, đặc sắc, như: Các nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của các chủ thể văn hóa; Những giá trị văn hoá, các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân đặc trưng của cộng đồng các dân tộc được tái hiện phong phú và sinh động. Ngày hội sẽ góp phần giáo dục thế hệ Việt Nam ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Theo đó, Ngày hội có sự tham gia của khoảng 200 đồng bào của 28 cộng đồng dân tộc thuộc các địa phương trên cả nước với điểm nhấn là Chương trình “Bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Ất Tỵ, mừng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; Chương trình văn nghệ với các bài ca về Đảng, ca ngợi Bác Hồ, về mùa xuân các dân tộc với niềm vui, phấn khởi đất nước đổi mới, niềm tin trước vận hội kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tiếp sau chương trình nghệ thuật, lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc, tặng quà Người có uy tín đồng bào dân tộc, tham gia các nghi thức, lễ hội của đồng bào các dân tộc và trồng cây lưu niệm.

Đáng lưu ý, tại Ngày hội, đồng bào các dân tộc sẽ tổ chức tái hiện nghi thức, lễ hội truyền thống, trình diễn di sản đặc sắc. Cụ thể, đồng bào dân tộc Thái đến từ tỉnh Thanh Hóa giới thiệu trích đoạn nghi thức hát múa dưới cây bông (kin chiêng booc may) là một hoạt động quan trọng trong dịp Tết; Đồng bào dân tộc Raglai đến từ tỉnh Ninh Thuận tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới; Đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình tái hiện lễ Khai hạ và giới thiệu, trình diễn Lịch Tre – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
Đồng bào dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận tái hiện nghi thức mở cửa tháp đầu năm mới. Đây là một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng của dân tộc Chăm nhằm tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cầu cho toàn thể đồng bào luôn có sức khỏe, bình an…
Bên cạnh đó, Ngày hội còn có các chương trình, như: Hội xuân với các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc về mùa xuân, các ca khúc hát về mùa xuân, ca ngợi quê hương đất nước, về Đảng, về Bác tại các làng dân tộc; Giới thiệu ẩm thực, các món ăn ngày Tết (bánh chưng, bánh tét, xôi nếp nương, gà quay, lợn quay, lạp sườn, rượu cần...) và các hoạt động trò chơi dân gian (nhảy sạp, đi cà kheo, đánh đu...)…

Đối với Đoàn công tác Sở Du lịch Bình Định, tiếp và làm việc với đoàn, bà Ngô Thị Hồng Thắm, Giám đốc Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam đã giới thiệu một số nét đặc trưng của Làng Văn hóa.
Bà Giám đốc cho biết: Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam toạ lạc tại một khu vực nằm cách Thủ đô Hà Nội hơn 40km về phía Tây. Làng được xây dựng trên tổng diện tịch 1.544ha, bao gồm 7 khu chức năng, gồm: Khu các làng dân tộc; Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí hiện đại; Khu di sản văn hóa thế giới; Khu công viên bến thuyền Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô: Khu dịch vụ du lịch tổng hợp; Khu quản lý điều hành văn phòng…
Riêng khu các làng dân tộc có diện tích 198,61ha, với địa hình gồm đồi núi, thung lũng, hồ nước đan xen, mô hình bản làng truyền thống của đồng bào các dân tộc nhằm tái hiện khung cảnh thiên nhiên, văn hóa 4 cụm làng trên khắp mọi miền đất nước như đặc trưng của 28 dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Ttung Bộ, 18 dân tộc vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... Hiện tại, Làng Văn hóa đang có 16 nhóm cộng đồng các dân tộc: Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Lào, Tà Ôi,Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer sinh sống và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình tại đây…

Đặc biệt, theo ông Trần Văn Thanh, tại Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ Quốc – 2025, Sở Du lịch Bình Định tổ chức trưng bày ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định và các sản phẩm du lịch Bình Định, qua đó giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa - lịch sử, danh lam - thắng cảnh, thành tựu KT-XH, cùng những hình ảnh đặc sắc về đất và người Bình Định… Nội dung chương trình là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định tại công văn số 9987/UBND-VX “Về việc triển khai Kế hoạch của Bộ VH-TT&DL và Kế hoạch 5267/KH -BVHTTDL của Bộ VHTT&DL “Về việc tổ chức ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2025”.

Mục đích của chương trình là: Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định, các sản phẩm du lịch đặc trưng, các sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định năm 2025 của địa phương đến du khách Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, tạo sự hấp dẫn, mong muốn được trải nghiệm, khám phá đối với du khách.
Tăng cường hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Bình Định với Thành phố Hà Nội; phát triển sản phẩm liên vùng, kết nối thu hút khách du lịch đến Bình Định và ngược lại trong thời gian tới…

Cụ thể, tại làng dân tộc Ê dê, khu các làng dân tộc II, Sở Du lịch Bình Định trưng bày 100 ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định. Trong số này có 30 ảnh về danh lam thắng cảnh Bình Định; 15 ảnh về di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa - tôn giáo tiêu biểu của Bình Định; 15 ảnh về các di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội dân gian tiêu biểu; 10 ảnh về làng nghề truyền thống đặc trưng của Bình Định; 10 ảnh về ẩm thực, sản vật địa phương; 20 ảnh về thành tựu KT-XH của tỉnh Bình Định…

Bên cạnh đó, tại khu nhà chờ làng dân tộc Mạ, khu các làng dân tộc II, Sở Du lịch Bình Định xây đựng một gian hàng nhằm trưng bày, trình chiếu các phim về du lịch Bình Định; giới thiệu các sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định năm 2025; trưng bày các ấn phẩm du lịch Quy Nhơn – Bình Định: cẩm nang du lịch, postcard, tờ gấp điểm đến, tờ gấp ẩm thực đặc trưng Bình Định,…; sản phẩm dịch vụ, du lịch của các đơn vị kinh doanh du lịch…

Ngoài ra, tại đây còn trưng bày, giới thiệu các sản phẩm “đặc sản Xứ Nẫu”, sản phẩm OCOP tiêu biểu của Bình Định (Rượu Bàu Đá, nem, tré, bánh ít gái gai, rượu Vĩnh Thịnh, trà, các loại bánh truyền thống Bình Định,…); Giới thiệu thời gian diễn ra các sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định năm 2025…
Viết Hiền