Bao giờ cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa trong nước bắt đầu sôi động hơn. Nhu cầu mua sắm của người dân cũng tăng mạnh hơn, chính vì sức “chịu chi” như vậy nên vào thời điểm “nhạy cảm” đó các mặt hàng thiết yếu trong nhóm lương thực, thực phẩm, năng lượng bắt đầu có xu hướng tăng giá. Chính vì lẽ đó việc nhiều doanh nghiệp sử dụng chiêu bài “om hàng” từ trước hay tăng hàng cũng khiến cho người dân “hoang mang”.
Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống như Đồng Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy... cho thấy, giá bán các mặt hàng thực phẩm khô dao động như sau: Mộc nhĩ 200.000 - 250.000 đồng/kg; măng khô tùy thuộc vào chất lượng, chủng loại măng “lưỡi lợn” hay đã xé nhỏ... có giá từ 120.000 - 350.000 đồng/kg; nấm hương 320.000 - 400.000 đồng/kg; miến 40.000 - 70.000 đồng/kg; hạt sen 140.000 - 170.000 đồng/kg; các loại mực khô 320.000 - 900.000 đồng/kg;…
Nhiều gia đình đã sớm đi mua sắm hàng tiêu dùng
Do vậy, để tránh trường hợp các doanh nghiệp “chơi bài” om hàng, nâng giá ảnh hưởng đến người dân, mới đây Bộ Tài Chính đã ra văn bản Chỉ thị số 06/CT-BTC về việc “Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019”. Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công việc được giao.
Cụ thể, Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất là trong thời điểm có nhu cầu cao trong dịp Tết để tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, tổng hợp phân tích dự báo; chủ động xây dựng kịch bản điều chỉnh giá một số mặt hàng quan trọng do Nhà nước quản lý trong những tháng đầu năm 2019 với lộ trình và bước đi phù hợp để hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung khi có phát sinh.
Tổ chức giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.
Đối với Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết: “Hiện Sở Công Thương đã tích cực tham mưu, chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết. Hiện, có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.”
Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Trang Nguyễn