Mới đây, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trao văn bản của Bộ Công thương thông báo việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Tập đoàn AES làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 2 tại Bình Thuận, thực hiện theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).
Hợp đồng xây dựng nhà máy điện này có tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, khi chính thức đi vào vận hành sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu khí hóa lỏng LNG từ Hoa Kỳ lên tới gần 2 tỷ USD/năm.
Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 nằm trong tổ hợp chuỗi dự án nhiệt điện Sơn Mỹ (gồm Sơn Mỹ 1, 2 và 3) tại tỉnh Bình Thuận có tổng công suất 4.000 MW. Ước tính mỗi năm nhà máy này tiêu thụ gần 0,6 triệu tấn LNG, dự kiến vận hành vào năm 2024.
Với việc ký kết Biên bản ghi nhớ này, Việt Nam và Mỹ chính thức trở thành đối tác hợp tác năng lượng toàn diện. Theo Bộ Công Thương, việc chấp thuận giao cho Tập đoàn AES thực hiện dự án điện khí 5 tỷ USD này sẽ góp phần hài hòa cán cân thương mại với Mỹ.
Theo số liệu của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), dự kiến đến năm 2020, công suất nhiệt điện khí là gần 9.000 MW, sẽ tăng lên 19.000 MW 10 năm sau đó. Điện khí sẽ chiếm khoảng 14% tổng công suất toàn hệ thống điện đến năm 2030 và để đủ 22 tỷ m3 khí sản xuất 19.000 MW, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 50% khí LNG.
Tập đoàn AES là một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện trên thế giới. Tại Việt Nam, tập đoàn này quan tâm tới việc đầu tư vào chuỗi dự án khí Sơn Mỹ do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư.
Tháng 11/2017, PV GAS và AES đã ký bản ghi nhớ về hợp tác tại dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ.
Ngoài ra, AES cùng với Posco Energy (Hàn Quốc) và China Investment Corporation (Trung Quốc) đã phát triển dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 có công suất 1.200 MW. Dự án đã hoàn thành và được đưa vào vận hành thương mại từ tháng 4/2015.
Hoàng Nguyên