Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị
Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. (Ảnh: minh họa)

Theo đó. để phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt làm cơ sở để các chương trình trọng tâm được triển khai thực hiện có kết quả. Tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị đến năm 2030 phát triển bền vững, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, công tác xúc tiến đầu tư được tăng cường, huy động các nguồn vốn đầu tư đa dạng, từ nguồn vốn ODA, vốn của các tổ chức phi chính phủ, vốn của doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và vốn của Nhân dân.

Kết cấu hạ tầng các đô thị lớn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, từng bước đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, từ đó thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn... Diện mạo đô thị dần được khởi sắc, hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ rệt; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, như giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn, công trình phúc lợi công cộng của các đô thị được đầu tư xây dựng, cải tạo; 90% các tuyến đường trục chính cấp đô thị từ loại III trở lên được đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng; dịch vụ cung cấp thông tin liên lạc phát triển nhanh chóng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26/32 đô thị có hệ thống cấp nước tập trung đã và đang khai thác sử dụng; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là 95%. Các đô thị lớn, như TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn,... khu vực nội thành, nội thị; các khu đô thị, khu dân cư mới đã được xây dựng hệ thống thoát nước. Tại các thị trấn huyện lỵ đa số mới được đầu tư xây dựng mương nắp đan hai bên trục đường chính đi qua trung tâm đô thị, các khu dân cư mới và các cụm công nghiệp.

Tại huyện Thọ Xuân, thời gian qua, địa phương này đã quan tâm phát triển kinh tế - xã hội và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội góp phần phát triển đô thị. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, địa phương đã kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận trả kết quả cấp huyện, cấp xã; rút ngắn 30% thời gian giải quyết đối với 164 thủ tục hành chính cấp huyện. Vốn đầu tư công được sử dụng ngày càng hiệu quả, từng bước khắc phục dàn trải, tập trung vào các công trình quan trọng, thiết yếu.

Công tác quy hoạch, xây dựng đô thị đạt kết quả tích cực; thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và vùng phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV; đô thị phố Đầm xã Xuân Thiên, xã Xuân Lai đạt tiêu chí đô thị loại V. Hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới, diện mạo các đô thị, khu vực trung tâm các xã có nhiều khởi sắc. Cùng với đó, nhiều dự án, công trình trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao được đầu tư xây dựng, như: nhà truyền thống, nhà thi đấu, bệnh viện đa khoa huyện.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước luôn được chú trọng. Các khu xử lý chất thải rắn tổng hợp trên địa bàn tỉnh đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Các công trình công viên, bến xe, bãi đỗ xe đã và đang kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa luôn ưu tiên dành nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở những lợi thế và tiềm năng sẵn có, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành công trong thu hút các nguồn lực từ các nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng du lịch; những khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp quốc tế được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, trở thành điểm nhấn đẹp về kiến trúc và cảnh quan.

Được biết, thời gian tới, sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa sẽ tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, bảo đảm mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40% trở lên. Theo đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng về mặt nội dung của hạ tầng kỹ thuật đô thị trong các đồ án quy hoạch xây dựng; trong đó, chú ý đến các lĩnh vực hạ tầng diện rộng có mối quan hệ liên khu vực, như: Giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, bãi chôn lấp chất thải rắn.

Ưu tiên nguồn vốn đáp ứng yêu cầu của công tác quy hoạch, bảo đảm các khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được triển khai thực hiện và hoàn thành theo tiến độ. Đối với các dự án xây dựng khu đô thị mới, chú trọng tới quy hoạch kết nối hạ tầng kỹ thuật thống nhất và đồng bộ bên trong và bên ngoài, giữa khu vực đô thị mới với đô thị hiện trạng, giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện trạng; xác định quy mô của các hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách hợp lý có tính đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.

Việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị từ vốn đầu tư công phải bám sát mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm được duyệt.

Khánh Dương