Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Theo đó, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm đạt hơn 1,5 triệu tấn, khoảng 304.828 tấn cây ăn quả, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 240.000 tấn, sản lượng trứng 150 triệu quả, hơn 181.000 tấn thủy hải sản và sản lượng khai thác gỗ hơn 715.000m3. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phục vụ chế biến, từ đó nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản.

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của nguồn nguyên liệu nông sản và đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, UBND tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển lĩnh vực chế biến nông sản, từ đó gắn phát triển nông nghiệp với chế biến.

Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến theo chuỗi giá trị, đã và đang được các doanh nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, như trung tâm nghiên cứu, sản xuất và chế biến hạt giống Hana được khánh thành và đưa vào hoạt động cuối tháng 10-2019, với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, công suất khoảng 4.000 tấn giống/năm, góp phần để sản xuất nông nghiệp trong tỉnh chủ động được nguồn giống cây trồng chất lượng.

Nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê, có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, công suất 30.000 tấn gạo thành phẩm/năm đã đưa vào hoạt động. Đây là nhà máy chế biến lúa gạo đầu tiên của tỉnh được đầu tư dây chuyền đồng bộ, hiện đại, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, đáp ứng nhu cầu thu mua, sấy khô và xay xát, chế biến lúa gạo của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính riêng năm 2020, nhiều nhà máy chế biến có quy mô lớn, sử dụng nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục được khánh thành và đưa vào hoạt động, đánh dấu và mở ra hướng mới trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Điển hình như nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước, tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, có tổng mức đầu tư lên tới hơn 600 tỷ đồng, với công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với 1.700 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm. Đây là dự án gắn trồng trọt và chế biến, gắn nông nghiệp với công nghiệp. Và UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với tổng diện tích vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy hoạt động là 6.500 ha thuộc 12 huyện trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn khánh thành Nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein và Nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía, có tổng nguồn vốn 445 tỷ đồng, mỗi nhà máy đều có công suất 120 triệu hộp/năm, với dây chuyền sản xuất hiện đại, hoàn toàn tự động, khép kín.

Tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến. Đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất tập trung để các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu; có chính sách hỗ trợ cá nhân, đơn vị phát triển nông nghiệp gắn với chế biến.

Hoài Thu