Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện đang có 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống, tỉnh này được đánh giá là một trong những địa phương giàu tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP.

Thời gian qua bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia Chương trình OCOP, Thanh Hóa đã phân bổ nguồn hỗ trợ của Trung ương cho các cơ sở sản xuất hoàn thiện tem nhãn, bao bì, xúc tiến thương mại. Cùng với đó, tỉnh cũng đã xây dựng 5 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Thanh Hóa và huyện Nga Sơn, nhằm quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

 

Các sản phẩm đạt 3, 4 sao OCOP cấp tỉnh được trưng bày
Các sản phẩm đạt 3, 4 sao OCOP cấp tỉnh được trưng bày tại các gian hàng

Nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP với mức từ 50-100 triệu/sản phẩm. Sau khi được công nhận, doanh thu tăng trưởng bình quân của các sản phẩm OCOP đạt trên 15%.

Đến nay, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức 5 đợt đánh giá sản phẩm OCOP, và được UBND tỉnh phê duyệt 69 sản phẩm OCOP (đạt 172,5% kế hoạch) của 47 chủ thể tại 45 xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố.

Trong số 64 sản phẩm được chứng nhận từ 3 sao trở lên có 17 sản phẩm đạt 4 sao (2 sản phẩm đề xuất Trung ương công nhận 5 sao).

Khu trưng bày sản phẩm “tiền OCOP” là các sản phẩm tiềm năng
Khu trưng bày sản phẩm “tiền OCOP” là các sản phẩm tiềm năng.

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, đại diện Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn cho 3 sản phẩm gồm Ống hút tre (Thường Xuân), Chè xanh sạch Bình Sơn và Mật ong nguyên chất bốn mùa Bình Sơn (Triệu Sơn); UBND tỉnh đã trao 69 giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho 47 chủ thể có sản phẩm OCOP giai đoạn 2018-2020. Ngoài ra, 10 tập thể, 22 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Chương trình đã được nhận Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

UBND tỉnh đã trao 69 giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho 47 chủ thể có sản phẩm OCOP giai đoạn 2018-2020.
UBND tỉnh Thanh Hóa trao 69 giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho 47 chủ thể có sản phẩm OCOP giai đoạn 2018-2020.

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Thanh Hóa cho biết: Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên phạm vi cả tỉnh. Đồng thời, sẽ tổ chức đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 800 cán bộ thực hiện chương trình OCOP  và 100% lãnh đạo doanh nghiệp hợp tác xã, chủ hộ sản xuất kinh doanh, tư vấn tham gia OCOP. 

Toàn tỉnh sẽ có thêm ít nhất 3 sản phẩm OCOP 5 sao, trên 100 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Phấn đấu có 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hình thành các Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu.

Hoài Thu