Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Bộ Công Thương hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp kháng kiện phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ , hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Các nền kinh tế có xuất khẩu càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.

Với chủ trương đúng đắn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu đã trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020 và đạt 336 tỷ USD vào năm 2021. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành 1 trong số 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Cùng với những kết quả đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tính đến hết tháng 4 năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ có những tác động tiêu cực như giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, thuê tư vấn pháp lý đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài dẫn đến tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã được thể chế hóa trong Luật Quản lý ngoại thương và được cụ thể hóa trong một số đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Đề án tái cơ cấu ngành công thương, Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Trên cơ sở đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã đề ra chủ trương chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta; nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho nền kinh tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu thông qua xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.

Thời gian qua, với các nỗ lực của chính phủ, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về phòng vệ thương mại đang dần được nâng cao. Một số ngành, một số doanh nghiệp đã xác định được điều tra phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về phòng vệ thương mại chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục, các thông tin doanh nghiệp phải cung cấp. Các doanh nghiệp không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao nhận được kết quả bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ và/hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với doanh nghiệp.

Trong một số vụ việc, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan trực tiếp cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác. Bộ Công Thương cũng trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khi nhận thấy các cáo buộc không có cơ sở hoặc phát hiện trong hoạt động và kết luận điều tra có điểm chưa phù hợp với các quy định của WTO. Nếu biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO, Bộ Công Thương xem xét đưa vấn đề ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã đem lại những kết quả rất tích cực. Trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm 2021 ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Úc, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a,... Chẳng hạn như trong một số vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn đều không bị áp thuế chống bán phá giá (như cá tra-basa, tôm, lốp xe). Trong hầu hết các vụ việc Ca-na-đa điều tra chống trợ cấp đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra của Ca-na-đa đều có kết luận chung là doanh nghiệp của Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể. Úc đã chấm dứt nhiều vụ việc như vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ống thép chính xác, chống bán phá giá dây đai thép phủ màu, ống đồng... Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a cũng lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với ván gỗ MDF, nhựa PET, tôn lạnh... Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, xử lý trong giai đoạn điều tra ban đầu, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội tổ chức các buổi hội thảo tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục rà soát thuế chống bán phá giá hàng năm của nước ngoài để giúp các doanh nghiệp thay đổi, giảm thiểu được mức thuế trong các giai đoạn tiếp theo của vụ việc. Không chỉ giải quyết ở cấp độ song phương, Việt Nam cũng đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng thì công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu. Đặc biệt, để các doanh nghiệp có thể chủ động hơn nữa trong việc xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, công tác nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tăng cường thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý phòng vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Anh Minh

Bài liên quan

Tin mới

App MBBank: Xác thực khuôn mặt, an tâm chuyển tiền
App MBBank: Xác thực khuôn mặt, an tâm chuyển tiền

Với tính năng bảo mật hai lớp, xác thực sinh trắc học trên App MBBank, người dùng có thể “gấp đôi” an tâm khi chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với những giao dịch lớn.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) – Bài 2: Cam go cuộc chiến chống tham nhũng
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) – Bài 2: Cam go cuộc chiến chống tham nhũng

Một chiều tháng 4 năm đó, tôi tìm đến nhà riêng vợ chồng ông Nguyễn Văn Vượng - bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (Số 27, phố Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội), để đươc nghe họ kể về những ngày này của 70 năm về trước: Gian khổ, ác liệt, nhưng mà sôi nổi, chộn rộn ở trong lòng…

Ogree Milk - sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ người Việt
Ogree Milk - sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ người Việt

Với quy trình sản xuất khép kín, đồng bộ, dây chuyển thiết bị, máy móc công nghệ tiên tiến, hiện địa của Mỹ, nhiều năm qua các sản phẩm sữa dinh dưỡng của Công ty TNHH Thương mại quốc tế Ogreemilk tự hào là sản phẩm dinh dưỡng học đường được nhiều giáo viên và phụ huynh cả nước tin tưởng sử dụng.

Cẩn trọng với hình thức lừa đảo thi chứng chỉ tiếng Anh
Cẩn trọng với hình thức lừa đảo thi chứng chỉ tiếng Anh

Thông tin từ Công an TP. Hà Nội, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điệp khúc nhân quyền: Bản báo cáo phiến diện, thiếu khách quan, có nhiều thông tin không đúng sự thật
Điệp khúc nhân quyền: Bản báo cáo phiến diện, thiếu khách quan, có nhiều thông tin không đúng sự thật

Gần 5 thập kỷ qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đều đặn công bố các báo cáo về tình hình nhân quyền tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Nóng: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa chấp thuận đưa hệ thống KRX vào vận hành từ ngày 2/5
Nóng: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa chấp thuận đưa hệ thống KRX vào vận hành từ ngày 2/5

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có công văn hỏa tốc gửi Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) trả lời về tờ trình chấp thuận vận hành chính thức hệ thống công nghệ thông tin KRX.