Tuy nhiên, có 03 nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiến nghị không điều chỉnh giá vé (gồm trạm Cù Mông thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả; trạm Km1747 thuộc dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), đoạn Km1738+148-Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk; trạm Km11+625 thuộc dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức Hợp đồng BOT).
Trên cơ sở kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổng hợp số dự án điều chỉnh giá vé 41 dự án/48 trạm thu phí.
Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát danh sách đối tượng thu, mức thu, đối tượng miễn, giảm giá vé và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé dự án và trạm thu phí theo đúng quy định; thực hiện thông báo công khai việc điều chỉnh giá vé trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan.
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị này có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, giám sát, thống nhất với doanh nghiệp dự án về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án, trạm thu phí, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021 của Bộ GTVT và hoàn tất thủ tục điều chỉnh giá vé các dự án, trạm thu phí theo đúng quy định.
Lý giải về tăng giá vé các dự án BOT, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm).
Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019-2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2 nhưng vẫn chưa được tăng giá làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
Bộ GTVT cũng đã có kế hoạch dự kiến từ 0h ngày 29/12 tới đây sẽ thực hiện điều chỉnh tăng giá vé tại 41 dự án BOT đường bộ với 48 trạm thu phí.
Phương Thảo (t/h)