Theo báo cáo, sau gần 3 năm thi công, cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) sẽ chính thức được khánh thành vào cuối tháng 10/2023.
Tổng kinh phí xây dựng cơ sở mới của NIC Hòa Lạc là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng không sử dụng ngân sách Nhà nước, mà huy động các nguồn tài trợ, đóng góp từ doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư.
Các nhiệm vụ trọng tâm của NIC là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ và đổi mới sáng tạo chất lượng cao; phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Tại buổi khảo sát, lãnh đạo NIC đề xuất các cơ quan rà soát hệ thống các quy định, chính sách đặc thù cho ngành bán dẫn; xây dựng hệ thống thể chế vượt trội và có thể thí điểm ngay tại NIC và các khu công nghệ cao. Phía NIC cũng đề xuất phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn để để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và phát triển các trung tâm dùng chung về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương tiến hành chuyển giao khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về Hà Nội quản lý; tiến hành quy hoạch, mở rộng khu công nghệ cao Hòa Lạc theo hướng "4 trong 1", gồm: khu công nghệ cao, khu thương mại-dịch vụ, khu đô thị và khu công nghiệp.
Để làm điều này, Thủ tướng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan hoạt động của khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội triển khai ngay tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc để giải quyết vấn đề kết nối giao thông.
Thủ tướng đề nghị sau sự kiện khánh thành cơ sở mới của NIC, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước, tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động của NIC cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo khác và các hoạt động, chương trình, dự án đổi mới sáng tạo nói chung.
Trên thực tế, tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc chính là tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc. Theo đề xuất của Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị này có chiều dài toàn tuyến khoảng 39km, với 21 ga dừng đỗ, chạy qua 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và 3 huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất của TP. Hà Nội.
Đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc từ Văn Cao - Trung tâm Hội nghị quốc gia khoảng 6,5km, tiếp đó tuyến chạy trên cao khoảng 2km và chạy trên mặt đất khoảng 30km. Điểm đầu của tuyến là ga Quần Ngựa trên đường Văn Cao, điểm cuối là ga Thạch Bình, thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất.
Sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng 65.404 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), trong đó chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác 6.220 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư 811 tỷ đồng, chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng, chi phí dự phòng 16.900 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của TP. Hà Nội, tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc sẽ được đầu tư trong giai đoạn từ 2020 - 2025, được vận hành thử và bàn giao vào cuối năm 2025, nghiệm thu và thanh quyết toán trong hai năm 2026 - 2027.
Phương Thảo (t/h)