Bộ NN&PTNT mới có công văn gửi Bộ GTVT nhằm phối hợp giải quyết vướng mắc trong vận tải biển và ưu tiên container lạnh phục vụ xuất khẩu nông sản.
Theo Bộ NN&PTNT, trong hai năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến vận tải xuất khẩu, chi phí đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, riêng giá cước vận tải biển tăng cao lên đến 400 - 500% và thêm vào đó là vấn đề thiếu container phục vụ vận tải xuất khẩu.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản sang thị trường Trung Quốc qua biên giới các tỉnh phía Bắc đang gặp nhiều khó khăn khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo hạn chế thông quan hàng nông sản do dịch Covid-19 và Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “Zero Covid”.
Hiện tại, nhiều mặt hàng nông sản đến mùa vụ thu hoạch, đặc biệt là rau quả tươi như thanh long, mít, xoài... Riêng mặt hàng thanh long, theo báo cáo từ các tỉnh, có khoảng 300 nghìn tấn cần tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm 2022.
Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu bằng đường bộ bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu thông qua đường biển, đường sắt. Tuy nhiên, vướng mắc là thiếu container lạnh từ các hãng tàu đã tác động lớn đến sự chuyển hướng xuất khẩu nói trên.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, rau quả tươi trong thời gian tới qua vận tải đường biển, đường sắt, giảm thiểu ách tắc cho xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản của Việt Nam qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam tìm giải pháp cho vấn đề thiếu container lạnh và giá thuê container tăng quá cao để giải quyết vấn đề hiện tại và phát triển xuất khẩu nông sản bền vững.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết giá cước vận tải đang neo ở mức rất cao. Theo đó, cước vận tải biển đi Mỹ cuối năm 2020 cao nhất là 3.000USD/container nhưng hiện nay bờ Đông tăng lên 17.000USD/container, bờ Tây khoảng 13.000-14.000USD/container. Cước tàu đi châu Âu dao động 12.000-14.000USD/container. Tương tự, cước tàu đi Trung Đông hiện dao động 10.000 – 11.000USD/container, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2020; Trung Quốc tăng gấp 3 lần từ 300USD lên 900USD. Ngoài ra, thời gian vận chuyển cũng tăng trung bình 7 – 10 ngày so với trước đây, nhiều đơn hàng giao cho khách còn chậm tới 2 - 3 tháng.
“Thông thường cước vận tải biển chỉ tăng 5 -10%/năm nhưng kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng, giá cước vận tải tăng trung bình 200 - 300%, thậm chí có thời điểm tăng 500%, kèm theo hàng loạt phụ phí như phí xếp dỡ hàng, lưu kho, nhiên liệu sạch, cân bằng container”, các doanh nghiệp cho hay.
Hãng tư vấn vận tải biển Drewry (Anh) và hãng quản lý tàu biển Maritime Strategies International (MSI, Singapore) đều cho rằng các chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt các rủi ro tắc nghẽn cho đến cuối năm sau và chi phí vận chuyển đường biển sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.
Việc các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó với phí vận chuyển đã bộc lộ thế yếu của Việt Nam khi thị phần tàu container vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các thị trường chính như EU, Mỹ, Australia chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ.
Phụ thuộc vào khả năng vận chuyển của các hãng tàu nước ngoài dẫn đến việc bị họ lợi dụng cơ hội để tăng giá, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong điều hành và doanh nghiệp chính là đối tượng oằn vai chịu cảnh giá cước tăng phi lý.
Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, đội tàu biển của Việt Nam mới đảm nhận được 10% thị phần vận tải hàng từ Việt Nam ra thế giới, hoạt động chủ yếu trên các tuyến ngắn như Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Ngọc Khánh