Đề xuất giảm thuế MFN 10% các mặt hàng chế phẩm xăng

Vào đầu tháng 08/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì. Theo đó, mặt hàng xăng động cơ không pha chì (thuộc mã từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) được điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN từ 20% xuống 10%. Tuy nhiên, ngoài mặt hàng xăng động cơ không pha chì, nhóm 27.10 còn có các chế phẩm, là sản phẩm chế biến từ dầu mỏ nhưng có chỉ số octan khác xăng động cơ và được sử dụng như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hoặc các ngành công nghiệp như pha sơn hay pha xăng có mã HS 2710.12.31, 2710.12.39, 2710.12.40, 2710.12.50, 2710.12.60, 2710.12.70, 2710.12.80, 2710.12.91, 2710.12.92, 2710.12.99 đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 20%.

Nguồn: Nghị định số 51/2022/NĐ-CP. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Nghị định số 51/2022/NĐ-CP. Đồ họa: Thế Dương.

Do đó, để đảm bảo thống nhất với thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì hiện đã được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%, hỗ trợ giảm giá nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc ban hành biểu thuế là thuế suất nguyên liệu thấp hơn thành phẩm, tránh vướng mắc trong việc phân loại của cơ quan hải quan, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất đối với các mặt hàng chế phẩm xăng này bằng với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng không pha chì là 10%.

Đối với mặt hàng Ethanol (mã HS 2207.20.11, 2207.20.19) có mức thuế suất MFN là 15%. Thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA, VKFTA đối với nhóm 22.07 là 0%. Đây là loại cồn (Ethanol) sử dụng trong công nghiệp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2021 là 48,7 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Mỹ chiếm khoảng 62%. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, trong đó đã điều chỉnh mã HS 2207.20.11 từ 17% xuống 15% và 2207.20.19 từ 20% xuống 15%.

Trong bối cảnh giá xăng thế giới và trong nước tăng cao kèm theo sự thiếu hụt về cung ứng xăng dầu thì việc nhập khẩu Ethanol sẽ bù đắp phần thiếu hụt của xăng khoáng. Các sắc thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đều quy định ưu đãi đối với mặt hàng Ethanol. Theo nguyên tắc thuế suất thấp hơn thuế suất thuế nhập khẩu xăng khoáng nhưng vẫn đảm bảo dư địa để đàm phán cho các biểu thuế theo các hiệp định thương mại (FTA) tới đây. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất mặt hàng Ethanol từ 15% xuống 10% (thay cho phương án 12% đã gửi xin ý kiến trước đó).

Thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón

Tại dự thảo nghị định này, sau khi gửi xin ý kiến, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số đơn vị về thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất về phương án điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón như sau: Đối với các mặt hàng phân bón (urê, phân lân, super lân, DAP, MAP... trừ mặt hàng phân bón NPK), quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% như đã gửi xin ý kiến là phù hợp.

Riêng đối với phân NPK trong nước đã đáp ứng được nhu cầu và hiện dư thừa nhiều phải xuất khẩu nên Bộ Tài chính đề xuất quy định mức thuế xuất khẩu 0% để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Giảm thuế đối với một số mặt hàng thiết yếu: "Một mũi tên trúng 2 đích"

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, việc Bộ Tài chính liên tục rà soát để giảm thuế đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, hay một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như "một mũi tên trúng 2 đích". Việc giảm thuế góp phần khơi thông các nguồn lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục đà tăng trưởng; đồng thời cũng góp phần hạ giá thành nhiều mặt hàng nhất là hàng hóa là đầu vào của nền kinh tế, sẽ ngăn lạm phát tăng. Thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ có các gói hỗ trợ về chính sách tài khoá, tiền tệ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Vị chuyên gia này cho rằng, ông đánh giá rất cao việc Chính phủ liên tục giao các bộ, ngành thiết kế các chính sách hỗ trợ, khiến đông đảo doanh nghiệp yên tâm, đồng hành cùng Chính phủ.

Một số mặt hàng cũng được đề xuất giảm thuế nhập khẩu về 0%, như VGO là nguyên liệu, sản phẩm trung gian cho các nhà máy lọc dầu và được sử dụng để tăng sản lượng các sản phẩm có giá trị tại nhà máy. Mặt hàng residue thuộc mã HS 2713.90.00, cũng được Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thông thường từ 5% xuống 0%. Đây là phân đoạn cặn của công đoạn chưng cất khí quyển hoặc chưng cất chân không dầu thô. Đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mặt hàng residue là nguyên liệu đầu vào dùng phối trộn một phần với dầu thô làm nguyên liệu chưng cất dầu thô.

Ngoài 2 mặt hàng nêu trên, mặt hàng condensate - nguyên liệu khai thác từ thiên nhiên có tính chất tương tự dầu thô nhưng thành phần nhẹ. Theo nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất, các mặt hàng là tài nguyên, khoáng sản thô chưa qua chế biến được quy định mức thuế xuất khẩu cao để hạn chế xuất khẩu và quy định mức thuế nhập khẩu MFN thấp để khuyến khích nhập khẩu, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2709.00.20 từ 3% xuống 0% và điều chỉnh tương ứng thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2709.00.20 là 0% để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất xăng dầu.

Điều hành để tránh tác động đến thu ngân sách

Việc Chính phủ quyết định giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng động cơ không pha chì hồi đầu tháng 8, qua đánh giá của Bộ Tài chính không tác động nhiều đến nguồn thu ngân sách. Theo Bộ Tài chính, hiện nay, mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam nên thuộc diện được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%). Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta. Như vậy, với tỷ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN thấp, việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.

Hay như mặt hàng VGO, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng thuộc mã HS 2710.19.90 khoảng 84,3 triệu USD (nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc). Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế MFN của mã HS 2710.19.90 từ 5% xuống 0% (bằng mức thuế nhập khẩu từ ASEAN và Hàn Quốc) để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất xăng dầu trong nước và điều chỉnh tương ứng thuế nhập khẩu thông thường là 0% để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Việc điều chỉnh giảm thuế MFN và thuế nhập khẩu thông thường của mặt hàng này xuống 0% sẽ tác động giảm thu ngân sách khoảng 39 tỷ đồng/năm.

Còn đối với mặt hàng VGO thuộc mã HS 2710.20.00 thì thuế nhập khẩu MFN đã là 0% nhưng thuế nhập khẩu thông thường đang là 5%. Theo số liệu kim ngạch nhập khẩu của Tổng cục Hải quan năm 2021, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thuộc mã HS 2710.20.00 khoảng 99 nghìn USD, trong đó nhập khẩu theo thuế nhập khẩu MFN là 32 nghìn USD, không có kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thông thường. Tuy nhiên, để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu trước áp lực từ giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2710.20.00 từ 5% xuống 0%. Việc điều chỉnh này dự kiến không làm giảm thu ngân sách so với hiện hành.

Trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính tiếp tục linh hoạt, chủ động cơ cấu lại các nguồn thu, đồng thời triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng thu về cho ngân sách, tránh ảnh hưởng tới nguồn thu khi một số khoản thu thuế giảm.

Theo TBTCVN