Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận dự thảo lần thứ nhất có một số khái niệm không phù hợp giữa tên gọi và chính sách, cơ chế bên trong, đây chính là điểm mâu thuẫn và ban soạn thảo sẽ có điều chỉnh.
"Nói điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu thì không có hoạt động mua bán và giá cả ở đây. Bộ Công thương tiếp tục trưng cầu ý kiến chuyên gia pháp luật, chuyên gia năng lượng để hoàn thiện dự thảo", ông Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công Thương cũng khẳng định, cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu để bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.
Bên cạnh đó, phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, nói cách khác là huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư phát triển cho nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.
Đối với một số nội dung được dư luận quan tâm như giá 0 đồng khi phát lên lưới, Bộ trưởng cho biết nếu cho phép được thực hiện mua bán thì sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện.
Vì mục đích tự sản, tự tiêu, nhằm ổn định chất lượng điện năng, ổn định cung cấp điện cho các tổ chức, cá nhân phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép loại hình này được đấu nối với hệ thống điện quốc gia; miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt ĐMTMN tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật...
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng nêu ý kiến, trong Nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này. Bộ Công Thương cũng cần tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý.
Đối với đề xuất ĐMTMN dư thừa bán giá 0 đồng như hiện nay, tức là khi phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng, không được thanh toán. Theo ông Tuấn, đề xuất như vậy có ý bao hàm "ghi nhận", nghĩa là giá trị tài sản xã hội đó được xác nhận là đóng góp (hoặc tác động bất lợi) đối với bên cung cấp điện, như vậy cần có những tính toán cụ thể về "lợi và hại" của sản lượng điện này.
Cụ thể, mặt lợi có thể là giảm đầu tư nguồn mới, giảm được chi phí truyền tải phân phối, giảm phát thải khí nhà kính. Mặt hại là phải tiết giảm hoặc ngừng các tổ máy phát điện có hiệu quả kinh tế, tăng chi phí điều độ, điều áp dưới tải,… do dư thừa nguồn vào thấp điểm trưa và không phát vào cao điểm chiều.
PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa cũng ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.
“Nước Nhật mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay thì tổng công suất của năng lượng tái tạo của Nhật trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30 - 40%. Nhưng chúng ta chỉ trong vòng có 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%. Một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể nào điều độ được”, PGS Nguyễn Việt Dũng phân tích và thông tin thêm.
Thiên Trường (t/h)