Tại dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến ngày 15/4, loại hình điện này có thể đấu nối hoặc không với lưới điện quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Quy mô phát triển loại này đến 2030 khoảng 2.600MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Ảnh internet.
Đề xuất bán điện mặt trời mái nhà dư thừa giá 0 đồng của Bộ Công Thương là vô lý, thiếu khả thi? Ảnh internet.

Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng. Đề xuất này giữ nguyên so với bản thảo Bộ Công thương đưa ra cuối năm ngoái.

Chuyên gia năng lượng, Tiến sỹ Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, không hiểu lý do vì sao Bộ Công Thương đề xuất như vậy, bởi hiện nay, miền Bắc đứng trước nguy cơ thiếu điện, dân lắp điện mặt trời để sản xuất, dư thừa nhưng bán với giá 0 đồng là không phù hợp.

Đặc thù điện mặt trời là phát điện vào ban ngày và thay đổi bức xạ theo từng thời điểm, điều này dẫn đến việc thừa, thiếu điện trong quá trình sử dụng năng lượng mặt trời. Việc không thể bán điện dư thừa, hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời.

Do vậy, đề xuất trên khiến các cơ quan, doanh nghiệp không ai muốn đầu tư hệ thống, từ đó dẫn đến hạn chế hiệu quả nguồn điện mặt trời, gây lãng phí năng lượng. Cơ chế cho bán sản lượng điện mặt trời mái nhà dư lên lưới, hoặc bán nội bộ trong khu công nghiệp sẽ giúp giá bán lẻ điện của hệ thống cho các nhóm khách hàng sử dụng điện thấp đi, kể cả các nhóm từ sản xuất, sinh hoạt, thương mại, hành chính sự nghiệp.

Đề xuất bán điện mặt trời mái nhà dư thừa giá 0 đồng của Bộ Công Thương là vô lý, thiếu khả thi? Ảnh internet.
Đề xuất bán điện mặt trời mái nhà dư thừa giá 0 đồng của Bộ Công Thương là vô lý, thiếu khả thi? Ảnh internet.

Nếu sản lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời được bán lên lưới, sẽ rất có lợi cho nền kinh tế và an sinh xã hội, giúp giá điện bán lẻ rẻ hơn. Hầu hết các nước khi chuyển dịch năng lượng xanh, họ đều ưu tiên phát triển nguồn điện mặt trời phân tán trước, sau đó mới đến các nguồn năng lượng tái tạo khác bởi nó có giá thành rẻ và dễ thực hiện.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, hiện nay chúng ta vẫn phải đối diện với tình trạng thiếu điện nên việc khuyến khích phát triển điện mặt trời là chủ trương đúng đắn. Các đề xuất mà Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo lần này như Nhà nước sẽ ưu tiên ngân sách để phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công; các dự án được miễn giấy phép hoạt động điện lực; không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng… là phù hợp, tạo điều kiện cho người dân phát triển điện mặt trời mái nhà.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần giải thích rõ để người dân hiểu về cơ chế điều hành điện, về việc tại sao cho người dân phát điện dư thừa lên lưới nhưng không được thanh toán tiền. Nggoài các chính sách khuyến khích nêu trên thì việc Bộ Công Thương đề xuất nghiêm cấm kinh doanh đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; không được bán điện cho tổ chức, cá nhân khác là… không phù hợp.

"Ngành điện không có lý do gì để biện minh cho vấn đề này. Trong quy hoạch điện đã khuyến khích mua bán điện trực tiếp, người dân và doanh nghiệp có điện dư thừa được coi là người bán trực tiếp cho người tiêu dùng, vậy tại sao lại cấm? Theo tôi, quy định này nên bỏ vì không có tính pháp lý, đi ngược lại Quy hoạch Điện VIII" - ông Phong nhấn mạnh.

Theo Tiến sỹ Ngô Đức Lâm cho rằng, cần tính toán lại quy định bán điện 0 đồng có hợp lý hay không, nên theo hướng đưa vào lưới và có trả tiền, bởi EVN lấy nguồn điện này đi bán lấy tiền, rõ ràng phải trả theo giá nhất định.

Hải Xuân (t/h)