Trong thảo luận về kinh tế xã hội ở tổ và Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn, lo lắng đó là tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại TP. HCM và một số tỉnh phía Nam.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý, cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện.

Vì vậy, để làm tốt việc này không chỉ cần mỗi ngành, mỗi cơ quan chức năng Trung ương và chính quyền địa phương làm tốt mà quan trọng hơn phải hợp tác được với nhau một cách chặt chẽ, nhuần nhuyễn và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước rất dị biệt như vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng cho biết, để có xăng dầu tới tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, không chỉ cần sự vận hành thông suốt của 34 doanh nghiệp đầu mối, 332 thương nhân phân phối thuộc trách nhiệm cấp phép và quản lý của Bộ Công Thương mà cần có vai trò có tính chất quyết định của 17.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép và quản lý.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ, hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP. HCM và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường, bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy.

Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống thương nhân phân phối, và cửa hàng bán lẻ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường, bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau, nhưng phần lớn các tỉnh/ thành phố, nhất là các tỉnh phía Bắc và miền Trung không xảy ra như vậy.

Đặc biệt, tại thời điểm đầu tháng 10, cả nước còn 3 triệu m3 xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại, sản xuất của các nhà máy trong nước và nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối thì đủ nguồn cung cho đến gần hết tháng 11, chưa kể các nhà máy sản xuất tiếp, các doanh nghiệp nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.

Ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới là đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, giá dao động trong biên độ lớn, tỷ giá ngoại tệ thay đổi hàng giờ, thì nguyên nhân chủ quan trong nước theo chúng tôi là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh của tín dụng ngân hàng, room đã hẹp, điều kiện vay – thanh khoản khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp.

Để kịp thời khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ trưởng Công Thương:
Bộ trưởng Công Thương: "Tăng cường kiểm tra, giám sát của toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả phải rút giấy phép vĩnh viễn đối với các doanh nghiệp kinh doanh khi vi phạm nhiều lần".

Thứ nhất là tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần ứng cứu. Phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát của toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả phải rút giấy phép vĩnh viễn đối với các doanh nghiệp kinh doanh khi vi phạm nhiều lần, bảo đảm lưu thông thông suốt, duy trì hệ thống một cách hợp lý.

Thứ hai, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng, đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội mặt hàng đặc biệt này.

Thứ ba, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ hoặc lỗ thì cũng trong khả năng chịu được thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều dị biệt, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng theo thẩm quyền của mình tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Thứ 4 là tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối thống nhất trực tiếp từ Bộ Công Thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối và từ chính quyền các tỉnh, thành phố đến 17.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ trong cả nước, nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch, kịp thời trong quản lý.

"Giải pháp cuối cùng là khẩn trương triển khai việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dự trữ xăng dầu nhằm kịp thời lấp đầy các lỗ hổng, lược bỏ sự chồng chéo về quản lý, điều hành của các chủ thể trong quy định hiện hành theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

PV