Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì…
Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường.
Mỗi ngày, lượng rác thải nhựa trong ngành y tế rất lớn
Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu toàn ngành hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm... Song song đó, cần phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định.
Để hoạt động này có hiệu quả, lãnh đạo các khoa, phòng phải kí cam kết với thủ trưởng các đơn vị, đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị.
Theo Bộ Y tế, từ hạn chế, mục tiêu trong những năm tới là chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng 1 lần và nilon khó phân huỷ trong toàn ngành.
Ngọc Lan